Vườn quốc gia Vũ Quang, với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và đa dạng, sở hữu nhiều kiểu và loại hình hệ sinh thái độc đáo, phản ánh sự phong phú của tài nguyên sinh học trong khu vực. Các hệ sinh thái tại đây bao gồm những cánh rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh, các khu vực đầm lầy, suối và thảm thực vật đặc trưng của vùng núi thấp và trung du. Sự phân bố của các hệ sinh thái này không chỉ bị chi phối bởi các yếu tố tự nhiên như khí hậu, địa hình, mà còn gắn liền với sự sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, tạo nên một bức tranh sinh thái phong phú và đa dạng. Vườn Quốc gia Vũ Quang có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN, có thể chia thành 5 kiểu hệ sinh thái.
Hệ sinh thái rừng mưa ẩm nhiệt đới
Hệ sinh thái Rừng mưa rậm nhiệt đới thường xanh: Đặc trưng bởi kiểu rừng phân bố ở độ cao dưới 800m so với mực nước biển. Cấu trúc kiểu rừng này tại khu vực được thể hiện rõ gồm có 5 tầng cây chính là: 3 tầng cây to (tầng vượt tán, tầng ưu thế sinh thái, tầng dưới tán) với các họ thực vật ưu thế bao gồm: Ngọc lan, Re, Côm, Hồi và đặc biệt mọc với mật độ dày các loài thuộc họ Dẻ. Tầng cây bụi thấp với ưu thế các loài thuộc họ Na, họ Đậu, họ đơn nem với ưu thế là các loài thuộc chi Ardisia và 1 tầng thảm tươi với ưu thế các họ dương xỉ, ô rô, gừng.
Hệ sinh thái rừng mưa rậm thường xanh ở vùng núi: Đặc trưng bởi kiểu rừng phân bố trên độ cao 1000 đến trên 1900m, hầu hết các cây ưu thế đều thuộc các Họ cận nhiệt đới như Re , Đậu, Chè, Ngọc Lan, Đỗ quyên và là các loài đặc hữu có phân bố hẹp của miền bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc. Đại đa số cây đều thuộc các loài thường xanh. Cấu trúc kiểu rừng này tại tại khu vực bao gồm chỉ có 2 tầng. Không có tầng vượt tán và tầng cao nhất là tầng tán. Ở những vùng đất tốt và ẩm ướt kích thước cây có thể đạt tới 40 thậm chí 50 mét với các loài như Giổi, Re, những nơi thổ nhưỡng khô, dốc cây chỉ đạt chiều cao 15 – 30m. Tầng cây bụi rất rậm rạp, có một vài loài dương xỉ thân gỗ, tầng sát đất với ưu thế các loài thuộc dương xỉ.
Hệ sinh thái rừng trên núi cao
Tập trung trên độ cao 1000m. Ở độ cao này, kiểu rừng chủ yếu là tùng bách hỗn giao. Thảm thực vật ở đây phổ biến là các loài thực vật hạt trần như Pơmu, Kim giao núi đất, Thông nàng, Hoàng đàn giả và đặc biệt tại đây có sự xuất hiện của loài Sồi 3 cạnh quý hiếm
Hệ sinh thái rừng lùn
Trên các đỉnh núi cao, tại đây gió thổi quanh năm, mây mù che phủ, độ ẩm cao, địa y phát triển bám trên các thân cây cong queo, thấp, nhỏ bất thường. Thực vật ưu thế là các loài thuộc họ Đỗ Quyên, Họ Dẻ, Long Não, Côm.
Hệ sinh thái ao hồ trên núi cao
Ở độ cao trung bình1500m tại tiểu khu 203 Vườn Quốc gia Vũ Quang, một khu rừng ngập nước đã phát triển thành một khu ngập nước (Hệ sinh thái Ao, hồ) được bao quanh bởi một dãy núi cao tạo thành đường biên giới giữa nước bạn Lào và Việt Nam. Khu vực này rộng khoảng 3 km2 với mạng lưới sông suối chằng chịt. Khí hậu ở đây không giống với khí hậu ở những khu vực xung quanh, có độ ẩm cao, nhiệt độ tương đối thấp (Nhiệt độ cao nhất khoảng trên dưới 24 độ) và biên độ dao động nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm (15-18 độ). Khu rừng ngập nước này được đặc trưng bởi sự hiện diện với mật độ dày của loài Du sam núi đất (Keteleeria evelyniana). Cây trưởng thành cao 30-35m, thân cây rộng 200-220cm và bán kính chỏm lên tới 12-14m. Ước tính tuổi thọ của loài này là 400-600 năm. Keteleeria evelyniana đã trở thành một giống cây hiếm ở Đông dương.
Hệ sinh thái thủy vực
Công trình hồ chứa nước Ngàn trươi đã tạo cho khu vực một diện mạo mới với 1 hệ thủy vực có chu vi 400 km2, trữ lượng nước hơn 750 triệu m3 và với hơn 35 ốc đảo lớn nhỏ bao quanh.
Các kiểu và loại hình hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Vũ Quang không chỉ thể hiện sự đa dạng sinh học phong phú mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực. Sự phân bố của các hệ sinh thái khác nhau, từ rừng nguyên sinh đến các khu vực suối, đầm lầy, tạo nên một mạng lưới sinh thái đa dạng, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các loài sinh vật. Để bảo vệ và phát huy giá trị này, việc nghiên cứu, giám sát và quản lý hiệu quả các hệ sinh thái là điều cần thiết. Đây chính là cơ sở quan trọng không chỉ trong công tác bảo tồn, mà còn giúp Vườn quốc gia Vũ Quang trở thành mô hình điển hình cho sự bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững tại Việt Nam./.
NCBA