Công nghệ chỉnh sửa gen (Gen Editing) đã được nghiên cứu, phát triển trong hơn một thập kỷ qua cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gen của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn và đã chứng minh có khả năng cải tiến giống cây trồng mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp nâng cao giá trị thương mại và cải tiến các tính trạng tiêu dùng. Công nghệ chỉnh sửa gen dựa trên nền tảng của công nghệ tế bào, sử dụng các gen mục tiêu, ADN thông tin để đưa gen vào để chỉnh sửa những đoạn gen bất lợi, không phù hợp với mục tiêu, các gen này trong cùng một loài chứ không sử dụng gen khác loài. Trong thời gian gần đây, công nghệ chỉnh sửa gen ngày càng phát triển và là công cụ hứa hẹn trong chọn giống cây trồng, mang đến những cơ hội lớn để cải thiện sản lượng cây trồng, đồng thời giảm áp lực về sinh học và phi sinh học, tăng tiềm năng tạo ra năng suất cây trồng. Do đó, Việt Nam cần có những nghiên cứu, cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện những quy định quản lý nhằm thực hiện Công ước Đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.
Trong thời gian qua, công tác quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các văn bản pháp lý được ban hành như: Luật Đa dạng sinh học (2008); Luật An toàn thực phẩm (2010); Luật Trồng trọt (2018); Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen; Nghị định số 108/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi một số điều Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen và Nghị định số 118/2020/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen; Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Ngoài các văn bản nêu trên, các Bộ có liên quan đã thực hiện việc xây dựng và ban hành các Thông tư nhằm hướng dẫn, quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen theo chức năng, nhiệm vụ được phân công:
* Bộ Tài nguyên và Môi trường:
– Thông tư số 09/2012/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc cung cấp, trao đổi thông tin và dữ liệu về sinh vật biến đổi gen;
– Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen;
– Thông tư số 13/2013/TT-BTNMT ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật trong phát hiện sinh vật biến đổi gen bằng phương pháp phân tích định tính, định lượng axit deoxyribonucleic.
* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
– Thông tư số 72/2009/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục loài cây trồng biến đổi gen được phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường cho mục đích làm giống cây trồng ở Việt Nam;
– Thông tư số 02/2014/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi;
– Thông tư số 29/2014/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BNNPTNT ngày 07 tháng 4 năm 2010 về công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
* Bộ Khoa học và Công nghệ:
– Thông tư số 20/2012/TT-BKHCN ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết điều kiện, trình tự và thủ tục công nhận Phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen;
– Thông tư số 21/2012/TT-BKHCN ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về an toàn sinh học trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen.
* Bộ Tài chính:
– Thông tư số 36/2014/TT-BTC ngày 24 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen;
– Thông tư số 186/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen;
– Thông tư số 106/2014/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi.
Như vậy, có thể thấy hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong quản lý an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen đã được xây dựng và ban hành khá hoàn chỉnh.
Chỉnh sửa gen giúp cải thiện hiệu quả và tính chính xác trong chọn tạo giống cây trồng mới, có tiềm năng làm lợi cho người nông dân, tăng cường các tính trạng mang lại giá trị thương mại và giá trị cho người tiêu dùng, có tác động tích cực to lớn đối với ngành trồng trọt. Do vậy, các chính sách, quy định về chỉnh sửa gen có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển và khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Nhiều quốc gia trên thế giới đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn quản lý cây trồng chỉnh sửa gen và sản phẩm tạo ra./.
NBCA