Cây trồng biến đổi gen và tình hình quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen
1. Tình hình canh tác cây trồng biến đổi gen trên thế giới
Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), tính đến năm 2014, cây trồng biến đổi gen đã được canh tác tại 28 quốc gia trong đó có 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp với diện tích khoảng 181,5 triệu ha. Tính từ năm 1996, năm đầu tiên cây trồng biến đổi gen được canh tác, số quốc gia canh tác cây trồng biến đổi gen đã tăng hơn 4 lần và diện tích đã tăng hơn 100 lần, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 3 đến 4%. Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu về diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới (73,1 triệu ha, chiếm 40%), đứng vị trí thứ 2 là Brazil (42,2 triệu ha), tiếp đến là Argentina (24,3 triệu ha), Ấn Độ (11,6 triệu ha) và Canada (11,6 triệu ha). Theo thống kê, trong 3 năm gần đây diện tích cây trồng biến đổi gen ở các nước đang phát triển luôn cao hơn các nước phát triển. Điều này cho thấy, cây trồng biến đổi gen đang đóng góp tích cực cho phát triển nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế đặc biệt ở các nước đang phát triển do giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất.
Ở Châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu các nước đang phát triển trong việc triển khai cây trồng biến đổi gen với diện tích 3,9 triệu ha và 11,6 triệu ha canh tác vào năm 2014. Các nước đang phát triển khác như Việt Nam và Indonesia đã phê chuẩn một số sự kiện ngô biến đổi gen và mía chịu hạn. Tại Châu Phi, canh tác cây trồng biến đổi gen tiếp tục tăng trưởng, Nam Phi là nước dẫn đầu với 2,7 triệu ha canh tác năm 2014. Diện tích bông Bt ở Sudan đã tăng xấp xỉ 50% năm 2014 và nhiều quốc gia Châu Phi bao gồm Cameroon, Ai Cập, Ghana, Kenya, Malawi, Nigeria và Uganda đã triển khai các khảo nghiệm đồng ruộng một số loại cây trồng biến đổi gen như lúa, ngô, lúa mỳ, cao lương, chuối, sắn và khoai lang. Tại Châu Âu, năm nước Châu Âu (Tây Ba Nha, Rumani, Bồ Đào Nha, Séc và Slovakia) đã tiếp tục trồng 143.016 ha, giảm khoảng 3% so với năm 2013. Tây Ban Nha vẫn là quốc gia dẫn đầu khu vực với 131.538 ha ngô Bt, giảm 3% so với năm 2013.
Theo thống kê, hiện có 3 nhóm tính trạng của cây trồng biến đổi gen được canh tác chủ yếu gồm: chống chịu thuốc trừ cỏ (trên 100 triệu ha), đa tính trạng (khoảng 50 triệu ha), kháng côn trùng (khoảng 27 triệu ha). Đậu tương, bông, ngô và cây cải dầu là nhóm cây trồng được canh tác rộng rãi nhất. Trong tổng số 111 triệu ha đậu tương, giống biến đổi gen chiếm 85% diện tích, bông chiếm 68% trong tổng số 37 triệu ha, ngô chiếm 30% trong tổng số 184 triệu ha, cải dầu chiếm 25% trong tổng số 36 triệu ha.
2. Thực trạng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam
Theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen và Nghị định số 108/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi một số điều Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, công tác quản lý nhà nước về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen được phân công cho các Bộ: (i) Bộ Tài nguyên và Môi trường:cấp, thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học, thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, duy trì trang thông tin điện tử về an toàn sinh học, tổ chức kiểm tra, thanh tra liên ngành, đột xuất việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen; (ii) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen, ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, cấp và thu hồi Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; (iii) Bộ Khoa học và Công nghệ: cấp và thu hồi Giấy chứng nhận phòng thí nghiệm đủ điều kiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen, quản lý an toàn sinh học trong nghiên cứu, phát triển công nghệ về sinh vật biến đổi gen. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ nêu trên đã xây dựng và ban hành các Thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen. Có thể khẳng định, đến nay hệ thống văn bản, hướng dẫn về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen tại nước ta đã được ban hành khá đầy đủ.
Đối với cây trồng biến đổi gen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 72/2009/TT-BNNPTNT ngày 17 tháng 11 năm 2009 quy định danh mục loài cây trồng biến đổi gen được phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường cho mục đích làm giống cây trồng ở Việt Nam bao gồm: ngô, đậu tương và bông vải. Từ năm 2011 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho khảo nghiệm hạn chế và diện rộng cho các sự kiện ngô biến đổi gen chống chịu thuốc trừ cỏ và kháng sâu đục thân, gồm: MON89034, NK603, GA21, Bt11, TC1507 và MIR162. Ngoại trừ sự kiện MIR162 thì 5 sự kiện ngô biến đổi gen còn lại đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận kết quả khảo nghiệm.
Sau khi được công nhận kết quả khảo nghiệm, các Công ty sở hữu hạt giống đã nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các sự kiện ngô biến đổi gen gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong năm 2014-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 04 sự kiện ngô biến đổi gen: MON89034, NK603, GA21 và Bt11. Cùng thời gian đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiến hành thẩm định và cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cho 05 sự kiện ngô biến đổi gen (MON89034, NK603, GA21, Bt11, MIR162) và 05 sự kiện đậu tương biến đổi gen (MON89788, 40-3-2, MON87705, MON87701, MON87708).
Ngày 12 tháng 3 năm 2015, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-TT-CLT về việc công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen). Ba giống được công nhận đặc cách là ngô biến đổi gen NK66 BT (mang sự kiện chuyển gen Bt11), NK66 GT (mang sự kiện chuyển gen GA21) và NK66 Bt/GT (mang sự kiện chuyển gen Bt11, GA21) của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam được tạo ra từ giống nền là giống ngô lai NK66, như vậy 3 giống ngô biến đổi gen này sẽ được phép gieo trồng rộng rãi tại Việt Nam.
Việc cấp phép cho cây trồng biến đổi gen của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam đối với tiến trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Trong thời gian tới, các giống ngô biến đổi gen đã được cấp phép sẽ được gieo trồng rộng rãi, góp phần giúp nước ta chủ động hơn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện còn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ nước ngoài.
3. Tình hình quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen được Chính phủ phân công tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành các Thông tư có liên quan, bao gồm: (i) Thông tư số 09/2012/TT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2012 quyđịnh việc cung cấp, trao đổi thông tin và dữ liệu về sinh vật biến đổi gen; (ii) Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2013 quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen; (iii) Thông tư số 13/2013/TT-BTNMT ngày 21 tháng 6 năm 2013 quy định quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật trong phát hiện sinh vật biến đổi gen bằng phương pháp phân tích định tính, định lượng axit deoxyribonucleic.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học và thực hiện quy định tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP, từ năm 2006 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử về an toàn sinh học tại địa chỉ: www.antoansinhhoc.vn. Trang thông tin là địa chỉ tra cứu hữu ích cho doanh nghiệp, công chúng quan tâm về các thông tin liên quan đến an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen trong nước và quốc tế cũng như là công cụ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về công nghệ chuyển gen.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý an toàn sinh học đó là việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen. Tính từ năm 2013 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 05 hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các sự kiện ngô biến đổi gen mang đặc tính kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Sau khi tiếp nhận các hồ sơ nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các hoạt động thẩm định theo đúng trình tự quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT: (i) Thành lập Tổ chuyên gia và Hội đồng an toàn sinh học; (ii) Đăng tải báo cáo đánh giá rủi ro của giống ngô biến đổi gen đăng ký lên website www.antoansinhhoc.vn để lấy ý kiến công chúng; (iii) Tổ chức các phiên họp thẩm định hồ sơ của Tổ chuyên gia và Hội đồng an toàn sinh học. Việc đánh giá các hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đều trải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng, khoa học của Hội đồng an toàn sinh học và Tổ chuyên gia, những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 04 sự kiện ngô biến đổi gen: MON89034 (Quyết định số 1836/QĐ-BTNMT ngày 27/8/2014), NK603 (Quyết định 2486/QĐ-BTNMT ngày 03/11/2014), GA21 (Quyết định số 2485/QĐ-BTNMT ngày 03/11/2014) và Bt11 (Quyết định số 70/QĐ-BTNMT ngày 14/01/2015). Có thể nói, việc thẩm định các hồ sơ nêu trên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và quy trình thẩm định này cũng dựa theo kinh nghiệm và các chuẩn mực về đánh giá hồ sơ và chứng nhận an toàn sinh học đã được tiến hành trên thế giới.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung nhằm quản lý hiệu quả an toàn sinh học tại Việt Nam: (i) Thẩm định và xem xét, cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các cây trồng biến đổi gen đủ điều kiện; (ii) Xây dựng cơ chế giám sát đối với cây trồng biến đổi gen để có căn cứ khoa học trong việc giám sát và phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra; (iii) Theo dõi, giám sát việc thực hiện quản lý rủi ro đối với các cây trồng biến đổi gen đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học; (iv) Phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra liên ngành, đột xuất việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen; (v) Nâng cao năng lực trong đánh giá và quản lý, giám sát an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen cho các cán bộ quản lý Trung ương và địa phương; (vi) Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong xã hội về cây trồng biến đổi gen.
Tài liệu tham khảo