Cục Bảo tồn đa dạng sinh học được giao nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đó là chi trả dịch vụ hệ sinh thái…
(TN&MT) – Nhằm gìn giữ và bảo tồn những nguồn gen quý cho một Việt Nam xanh và đa dạng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở đây là Cục Bảo tồn đa dạng sinh học được giao nhiệm vụ đã không ngừng tiếp thu học tập kinh nghiệm những chính sách, cơ chế tiên tiến của các nước trên thế giới đã áp dụng và có hiệu quả rõ rệt. Một trong những chính sách đó là chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Đây được coi là chính sách hữu hiệu để đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện đời sống cộng đồng.
Một thể chế sòng phẳng, văn minh
Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (Payments for Ecosystems Services – PES) hay còn gọi là chi trả dịch vụ môi trường là công cụ kinh tế, sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Tại các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, khái niệm chi trả dịch vụ hệ sinh thái (PES) đã được tổ chức và nghiên cứu sớm nhất. Ngay từ giữa thập kỷ 80, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã thực hiện “chương trình duy trì bảo tồn”, đã chi trả cho nông dân để trồng thảm thực vật lưu niên trên đất trồng nhạy cảm về môi trường. Hiện nay, cơ chế PES được áp dụng thành công và hiệu quả, tạo cơ chế quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên. Tại Trung Mỹ và Mexico, Chương trình về dịch vụ môi trường thủy văn (PSA-H) là chương trình PES lớn nhất Mỹ La Tinh. PSA-H tập trung vào bảo tồn các rừng tự nhên bị đe dọa nhằm duy trì các dòng chảy và chất lượng nước. Mexico thành lập Quỹ lâm nghiệp Mexico năm 2002, thực hiện PES từ việc sử dụng đất. Ủy ban Lâm nghiệp Quốc gia kỹ hợp đòng với chủ đất để quản lý nhằm duy trì các dịch vụ đầu nguồn. Tại Brazil, Chính phủ đã công bố “Chương trình ủng hộ môi trường” trong đó, chi trả được sử dụng để thúc đẩy sự bền vững môi trường của khu vực Amazon.
Ngay cạnh chúng ta, Trung Quốc cũng đã sửa đổi bổ sung Luật Rừng, quy định hệ thống bồi thường sinh thái rừng. Triển khai thí điểm hệ thống bồi thường giai đoạn 2001 – 2004. Năm 2004, thành lập Quỹ bồi thường lợi ích sinh thái rừng.
Từ các mô hình ở các nước cho thấy, quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học, Dịch vụ bảo vệ rừng đầu nguồn được hầu hết các nước thí điểm áp dụng, nhằm tạo nguồn tài chính bền vững và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Việt Nam từng bước ứng dụng
Nắm bắt được xu thế chung và phát huy những hiệu quả và bài học kinh nghiệm mà các nước đã có được, Việt Nam đã có một số văn bản pháp luật đã đề cập đến dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt, hệ sinh thái rừng. Quyết định số 380/TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thì điểm PES sẽ được triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La với các loại dịch vụ: điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, bồi lấp và cảnh quan du lịch. Theo Luật Đa dạng sinh học, quy định về tài chính cho bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học có đề cập đến các nguồn từ PES. Cho đến nay, một số nghiên cứu về giá trị rừng, lượng giá kinh tế các hệ sinh thái… đã và đang được đề xuất thực hiện. Một số dự án nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và thí điểm các mô hình PES ở Việt Nam bước đầu được đề xuất thực hiện đối với 4 loại dịch vụ: bảo vệ đầu nguồn; bảo vệ đa dạng sinh học; du lịch sinh thái và hấp thụ cácbon.
Việc nghiên cứu, thực hiện chính sách PES ở Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, nhằm tạo thêm nguồn tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hóa tài nguyên và môi trường. Luật Đa dạng sinh học đã đề cập đến các nguồn thu từ PES, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 380/TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 về chính sách thí điểm PES rừng. Tuy nhiên, ngoài hệ sinh thái rừng, tiềm năng về PES ở Việt Nam còn có các hệ sinh thái đất ngập nước, biển, núi đá vôi,… Đây là vấn đề liên ngành do đó cần khung quốc gia về PES để đảm bảo điều phối và tránh các xung đột.
Ngoài ra, Chính phủ cần hướng dẫn chi tiết cơ chế PES. Cần sớm quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của Luật Đa dạng sinh học; xác định các vùng sinh thái có tiềm năng PES, xác định các dịch vụ của hệ sinh thái.
Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu và triển khai PES; xây dựng năng lực và tạo nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ trong và ngoài nước. Hỗ trợ ban đầu là cần thiết để tạo sự chuyển biến về các phương thức sử dụng đất trong quy hoạch. PES là khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, vì vậy, cần giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng vì đây là chìa khóa của sự thành công.
Nguồn: Báo TN&MT