family: Arial, Helvetica, sans-serif; font-size: 12px; line-height: 21.59375px; text-align: justify; background-color: #f4f6f1;”>Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn với vị thế là một trong những ngành được ưu tiên trong phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, sẽ có nhiều công trình khoa học có ý nghĩa và thiết thực đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Đăng ngày 05-10-2013 trong chuyên mục Tin Việt Nam
Tại Hội nghị khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc 2013 do Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 27/9 ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá trong những năm gần đây, công nghệ sinh học đã thực sự trở thành công cụ không thể thiếu, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng, trình độ của các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, y tế, công tác bảo vệ môi trường và một số lĩnh vực khác.
Nhiều lĩnh vực công nghệ sinh học đã có tính ứng dụng cao và phổ biến trong đời sống xã hội như ứng dụng sinh học phân tử trong chọn giống cây trồng, vật nuôi, trong giải mã hệ gen (genome) lúa, trong xác định ADN để tìm hài cốt liệt sĩ, xác định các thể người phục vụ an ninh; trong nhân nhanh giống cây trồng bằng công nghệ invitro, trong cấy truyền phôi gia súc, trong chẩn đoán các bệnh lạ như vàng lùn, lùn xoán lá, bệnh lùn lụi lúa, bệnh cúm A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9…, trong ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh “nan y”, trong chế tạo nhiều loại chế phẩm, sinh phẩm có hoạt lực tốt phục vụ cho ngành nông nghiệp, y tế, môi trường.
Thành công bước đầu này phải ghi công cho những nỗ lực đóng góp của các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Bởi so với các nước tiên tiến, đầu tư cho công nghệ sinh học của Việt Nam còn khiêm tốn, điều kiện làm việc cũng như chế độ tiền lương cho các nhà khoa học còn hạn chế, song các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực này đã chủ động, sáng tạo để nâng cao năng lực chuyên môn và đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội, với nhiều kết quả được đánh giá cao không chỉ trong nước mà còn cả ở tầm quốc tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, công nghệ sinh học đã và đang làm thay đổi thế giới. Chính vì vậy mà nhiều tổ chức và chuyên gia trên thế giới đã khẳng định thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học.
Đối với Việt Nam, có thể khẳng định rằng khoa học công nghệ sinh học đang phát triển nhanh và đúng hướng, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước. Ngành công nghệ sinh học Việt Nam nhìn chung vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, thậm chí so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Việt Nam có dân số gần 90 triệu người, trong đó hơn 70% tham gia sản xuất nông nghiệp, có hệ sinh thái đa dạng, người Việt Nam lại được đánh giá là cần cù, chịu khó, khéo léo. Đây là những lợi thế của Việt Nam để phát triển ngành công nghệ sinh học.
Hội nghị khoa học công nghệ sinh học toàn quốc 2013 nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học thông báo và chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học của mình với các đồng nghiệp, đồng thời là cơ hội để các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu nhìn lại những thành tựu nghiên cứu của lĩnh vực công nghệ sinh học trong giai đoạn 5 năm vừa qua, qua đó có cái nhìn bao quát về tình hình nghiên cứu của các trường và viện nghiên cứu trên toàn quốc trong lĩnh vực này.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Trưởng ban Tổ chức cho biết hội nghị được chia thành 6 tiểu ban gồm công nghệ gen, công nghệ hóa sinh và enzym, công nghệ sinh học y- dược, công nghệ sinh học vi sinh, công nghệ sinh học thực vật và công nghệ sinh học động vật.
Đã có 422 trong tổng số hơn 450 báo cáo của các nhà khoa học khắp cả nước đã được chọn lựa và đáp ứng được yêu cầu về nội dung, để đăng trên tuyển tập báo cáo khoa học của Hội nghị.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe 3 nhà khoa học trình bày báo cáo về các thành tựu mới nhất của quốc tế trong lĩnh vực công nghệ tế bào động vật liên quan đến nghiên cứu quá trình tái biệt tế bào; tiềm năng ứng dụng metagenomics (nghiên cứu về đa hệ gen) trong khai thác nguồn tài nguyên sinh học ở Việt Nam và thành công đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và thương mại hóa các protein dược liệu của công ty Nanogen./.