Cuộc họp đã nhận được sự đóng góp ý kiến rất nhiệt tình của các thành viên Tổ soạn thảo về cấu trúc và các nội dung chính của dự thảo Thông tư.
Về cấu trúc dự thảo Thông tư, các thành viên Tổ soạn thảo góp ý:
– Cần giảm bớt số Điều của dự thảo Thông tư.
– Đổi lại trật tự sắp xếp trong chương II;
– Bỏ điều về nguyên tắc làm việc của Hội đồng an toàn sinh học;
– Gộp nội dung điều kiện tiến hành phiên họp chính thức của Hội đồng an toàn sinh học vào Điều về tổ chức của Hội đồng;
– Gộp điều về nguyên tắc kết luận của hội đồng vào trong trình tự phiên họp Hội đồng;
– Gộp điều về hồ sơ cấp giấy chứng nhận vào điều vê cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Về nội dung dự thảo Thông tư:
– Xem xét các mốc thời gian trong quy trình nhận và giải quyết hồ sơ theo quy định;
– Xem xét các quy định về thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học
– Quy định cách tính điểm đạt hay không đạt của Hội đồng.
– Về trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng cần tham khảo thêm các quy chế của các Hội đồng hiện có trong nước.
– Khẳng định vai trò của hỗ trợ hành chính và kỹ thuật cho Hội đồng của Cơ quan thường trực và Tổ chuyên gia kỹ thuật;
– Về phụ lục báo cáo đánh giá rủi ro: chỉnh sửa cho đúng các từ ngữ chuyên ngành, cấu trúc của báo cáo đánh giá rủi ro sẽ bao gồm:
+ Thông tin chung
+ Thông tin về sinh vật nhận
+ Thông tin về quá trình biến đổi gen
+ Thông tin về sinh vật biến đổi gen;
+ Nội dung đánh giá rủi ro dựa trên mô hình PFOA gồm: đánh giá khả năng xảy ra rủi ro, hậu quả nếu rủi ro xảy ra và cuối cùng là đánh giá rủi ro;
Các thành viên Tổ soạn thảo Thông tư cũng thống nhất trên cơ sở các góp ý trong cuộc họp, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư – Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cần nhanh chóng hoàn thiện để có thể đăng tải dự thảo Thông tư này trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân quan tâm.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học