Ngày 28/4/2015, Slovakia đã gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur về trách nhiệm pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, và trở thành quốc gia thứ 32 gia nhập Nghị định thư này.
Mục tiêu của Nghị định thư bổ sung là góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững Đa dạng sinh học (ĐDSH), cân nhắc các rủi ro đến sức khỏe con người, thông qua thiết lập nguyên tắc và quy trình quốc tế về trách nhiệm pháp lý và bồi thường liên quan đến sinh vật biến đổi gen (Điều 1 Nghị định thư bổ sung).
Phạm vi của Nghị định thư bổ sung tập trung vào các thiệt hại gây ra bởi sinh vật biến đổi gen được vận chuyển xuyên biên giới, bao gồm việc vận chuyển có chủ đích và không chủ đích.
Theo quy định, Nghị định thư bổ sung sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày quốc gia thứ 40 trong số các quốc gia tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (ATSH) ký văn bản phê chuẩn về việc gia nhập, tham gia Nghị định thư bổ sung. Như vậy, tính đến nay đã có 32 quốc gia phê chuẩn gia nhập Nghị định thư bổ sung, trong đó có cả Liên minh châu Âu, tuy nhiên theo quy định vẫn cần 9 quốc gia nữa phê chuẩn để Nghị định thư này có hiệu lực thực hiện.
Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 23 của Nghị định thư bổ sung nêu trên vào ngày 23/4/2014. Việc tham gia Nghị định thư bổ sung góp phần thực hiện nghĩa vụ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước ĐDSH và Nghị định thư Cartagena về ATSH, các điều ước quốc tế liên quan đến ĐDSH khác, Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Rio về Phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc tham gia Nghị định thư bổ sung sẽ tạo cho Việt Nam một cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc hơn trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển xuyên biên giới sinh vật biến đổi gen qua lãnh thổ Việt Nam nếu để xảy ra thiệt hại phải có trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, thông qua đó sẽ hạn chế các rủi ro đến môi trường, ĐDSH và sức khỏe con người.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,Cục Bảo tồn đa dạng sinh học