Nghiên cứu do các tác giả Tăng Thị Hạnh, Phan Thị Hồng Nhung, Nguyễn Trung Đức và Phạm Văn Cường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Qua thời gian thực hiện, kết quả thí nghiệm cho thấy các dòng lúa cải tiến D31 và D36 có cường ñộ quang hợp và các chỉ tiêu liên quan như độ dẫn khí khổng, cường độ thoát hơi nước và giá trị SPAD đều thấp hơn giống đối chứng (KD18) ở mức ý nghĩa 0,05 ở giai đoạn đẻ nhánh và trỗ và không có sự khác biệt so với giống đối chứng ở thời điểm 10 ngày sau trỗ (NST).
Tuy nhiên, hai dòng này có khối lượng chất khô tích lũy và tốc độ tích lũy chất khô ở giai đoạn từ đẻ nhánh hữu hiệu đến trỗ cao hơn KD18 do có sự tăng mạnh về diện tích lá trên cây, đặc biệt là kích thước lá. Gien GN1 và WFP1 đã biểu hiện làm tăng số hạt trên bông của dòng D31 (357,0 hạt/bông) và D36 (392,2 hạt/bông), trong khi giống đối chứng KD18 chỉ có 303,8 hạt/bông. Tuy nhiên, các dòng D31 và D36 lại có tỉ lệ hạt chắc thấp hơn so với KD18. Năng suất cá thể của dòng D36 (50,1 g/khóm) cao hơn so với KD18 (46,0 g/khóm) nhưng của dòng D31 (48,5 g/khóm) chỉ tương đương so với đối chứng. Điều này có thể liên quan ñến mối quan hệ giữa nguồn và sức chứa của cây lúa.