Ðẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

công nghệ (KHCN) đóng vai trò then chốt trong nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, kinh phí đầu tư cho KHCN đang ngày càng được chú trọng.

 

Tuy nhiên, thực tế hoạt động KHCN vẫn bộc lộ nhiều hạn chế & còn có sự thấp kém so với các nước trong khu vực.

Ðóng góp tích cực của KHCN trong nông nghiệp

Việt Nam được thế giới biết đến là một nước nông nghiệp với những bước tiến vượt bậc. Nông nghiệp không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Có được những thành tựu nêu trên, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của KHCN nói chung và của các nhà nghiên cứu nói riêng.

Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá chính xác sự đóng góp của KHCN đối với sản xuất nông nghiệp. Chỉ biết rằng, với những tỷ lệ được tổng kết như: Hàm lượng chất xám chiếm hơn 30% giá trị sản phẩm hàng hóa; biện pháp giống làm tăng năng suất từ 5% đến 20%; biện pháp phân bón tăng 10% – 15%, tưới tiêu giúp tăng 20% – 40%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp không ngừng gia tăng với tốc độ 24%/năm và tổng kim ngạch lên 16.475 triệu USD (năm 2008), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 hơn 52%. Nhờ sự mạnh dạn trong đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHCN vào sản xuất đã giảm đáng kể thất thoát sau thu hoạch, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đà cho hàng hóa nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang có nhiều mặt hàng có thị phần lớn và chiếm vị thế cao trên thế giới như: hạt điều, hạt tiêu, lúa gạo, cà-phê, cao-su đứng thứ tư, chè đứng thứ năm và thủy sản đứng thứ bảy.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2006 đến 2010, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KHCN nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng trung bình khoảng 11%/năm, tổng kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học là 2.416 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất giúp tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm. Ði đầu trong nhóm nghiên cứu khoa học phải kể đến Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Tại đây công tác nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi đang được tiến hành khá khẩn trương. Phần lớn giống cây trồng, vật nuôi đều được lưu giữ, phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Hiện nay, Viện đang quản lý 24.500 mẫu nguồn gien của các loài cây trồng có ở Việt Nam, với gần 20 nghìn gien đang bảo tồn tại Ngân hàng gien quốc gia và hơn năm nghìn gien lưu giữ tại các cơ quan mạng lưới đủ cho thấy, nghiên cứu KHCN đã gắn chặt hơn với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn; đồng thời đã xác định đúng một số chương trình nghiên cứu trọng tâm trong nông nghiệp như: chương trình giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và thủy sản, chương trình công nghệ sinh học. Từ đó đã và đang hình thành nên hướng nghiên cứu đa ngành, thông qua việc triển khai các ứng dụng khoa học về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đạt mức tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp khá cao.

Những “rào cản” trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN

Theo đánh giá của các nhà khoa học, mặc dù khoa học nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, nhưng đến nay, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như thế giới còn thấp. Phần lớn nông dân ở vùng sâu, vùng xa còn ít hiểu biết và thiếu thông tin về các giống mới, các quy trình công nghệ tiên tiến, cũng như nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc áp dụng tiến bộ KHCN vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ nhằm tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu KHCN vẫn chưa thoát khỏi  tâm lý “ăn xổi ở thì” khi chỉ tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mà chưa quan tâm đến sản phẩm công nghệ ứng dụng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hằng năm, cả nước có nhiều chương trình đầu tư cho KHCN của địa phương, nhưng thiếu tính liên kết và đồng bộ, dẫn đến sự chồng chéo, phân tán, hiệu quả thấp. Theo Bộ  NN và PTNT đánh giá, trình độ KHCN ở nhiều lĩnh vực như cây ăn quả, hoa, rau, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản… vẫn ở mức thấp. Ðặc biệt là, KHCN ứng dụng trong chăn nuôi còn hạn chế cả về chất lượng con giống lẫn khâu chế biến thức ăn. Cùng với chăn nuôi, lĩnh vực thủy sản cũng chưa có sự khởi sắc, mặc dù là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về cá tra, song trình độ công nghệ sản xuất, chế biến loại sản phẩm này còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của Viện Chính sách Chiến lược – Bộ NN và PTNT, mức độ đóng góp của KHCN đối với tăng trưởng sản xuất nông nghiệp còn thấp nếu như không muốn nói là quá thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nổi bật là đầu tư thấp và cơ chế chính sách bất cập. Theo Ngân hàng thế giới, tổng đầu tư cho một cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam chỉ bằng 9% của In-đô-nê-xi-a và Thái-lan, 2,5% của Ma-lai-xi-a. Những yếu kém trong cơ chế chính sách khó chỉ ra bằng con số, nhưng rõ ràng cán bộ KHCN không có động lực, hăng hái, dốc toàn tâm cho việc nghiên cứu, mà ngược lại dẫn đến sự trì trệ. Các đơn vị KHCN chưa thật sự quan tâm đến hiệu quả đóng góp cho sản xuất. Do thu nhập và hiệu quả sản xuất thấp cho nên nông dân không gắn bó với nông nghiệp. Một nguyên nhân khác là sự gắn kết giữa nghiên cứu và chuyển giao chưa chặt chẽ, nhất là sự liên kết giữa KHCN và doanh nghiệp còn yếu. Nghiên cứu KHCN nông nghiệp chỉ mới tập trung chủ yếu ở tổ chức nhà nước, trong khi các thành phần kinh tế khác, nhất là doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với nghiên cứu KHCN nông nghiệp. Bên cạnh đó chúng ta còn thiếu nhiều cán bộ khoa học chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra hệ thống cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Ðẩy mạnh nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp

KHCN đóng vai trò quyết định, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Ðảng và Nhà nước đã đề ra mục tiêu phát triển KHCN nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020. Trong đó, tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có kết quả được ứng dụng vào sản xuất đạt hơn 70%; giá trị gia tăng trong nông nghiệp do KHCN đem lại đạt 40% vào năm 2015 và đến năm 2020 con số này là 60%… Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, trước tiên cần đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng cho từng cấp, tránh chồng chéo, gây lãng phí vốn đầu tư trong lĩnh vực KHCN nông nghiệp. Phát triển KHCN theo chiều sâu, lấy chất lượng và nhu cầu thực tiễn làm thước đo. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, như khen thưởng, giảm thuế… Nguồn kinh phí cho nghiên cứu KHCN nông nghiệp do Nhà nước đầu tư, hoặc Nhà nước hỗ trợ thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi.

GS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đề xuất, có thể thu tiền bản quyền từ phần trăm giá trị xuất khẩu để lấy nguồn vốn hỗ trợ nghiên cứu KHCN. Chẳng hạn, mỗi năm xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của nước ta đạt 20 tỷ USD. Nếu chỉ cần trích 1% cho bản quyền tác giả thì sẽ có 200 triệu USD hỗ trợ nghiên cứu. Không những thế, việc làm này sẽ tạo động lực và niềm tin cho các nhà khoa học say mê nghiên cứu, phục vụ sản xuất.

Hiện nay, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp nước ta đang có xu hướng giảm dần, chuyển dịch cơ cấu ngành chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với thách thức lớn là diện tích đất và lao động nông nghiệp giảm đi nhưng mục tiêu về sản lượng, chất lượng lại tăng lên. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN, phát triển các cơ sở sản xuất mẫu và những mô hình trình diễn… để cho người dân thấy hiệu quả. Ðồng thời, bằng lợi ích kinh tế, khuyến khích người nông dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Theo Ngọc Sơn