Đủ “chín” để thương mại hóa

Trước khi Bộ NN&PTNT công bố quyết định công nhận 4 sự kiện ngô biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đã có một số lo ngại về việc quản lý đối với loại thực phẩm này. Trên thực tế, hành lang pháp lý để quản lý sản phẩm này của nước ta đã khá đầy đủ.

 

Chỉ sử dụng những gì thế giới đã có

TS Phạm Văn Toản- một trong những chuyên gia hàng đầu về cây trồng biến đổi gene (BĐG), thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Thực tế, đúng là mình đã đang ăn các sản phẩm BĐG rồi nhưng người ta lại cứ sợ nó. Theo tôi, thời điểm này là đủ chín muồi để thương mại hoá cây trồng BĐG. Nếu chúng ta bắt đầu từ con số 0, thì 10 năm cũng vẫn là ít, cái chính là chúng ta đã sử dụng những gì người khác đã có”.

Theo ông Toản, thực tế tất cả các nước trên thế giới đều thận trọng với cây trồng BĐG, Việt Nam cũng vậy. Năm 2004, Việt Nam tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, đến năm 2005 mới có Quyết định 212 của Thủ tướng về Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật BĐG; sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật BĐG là dựa trên nền tảng Nghị định thư Cartagena ấy.

“Khi đó, đánh giá về môi trường và đa dạng sinh học chúng ta đã có đâu mà làm, từ hành lang pháp lý đến nhân lực đều phải làm từng bước theo hướng vừa tiếp cận, vừa làm. Đó là những giai đoạn bắt buộc không thể nhanh được” – TS Toản nói.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Đa dạng sinh học năm 2008, các bộ, ngành đã bắt tay vào xây dựng các văn bản quản lý có liên quan tới quản lý an toàn sinh vật BĐG. Tới năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 về an toàn sinh học đối với sinh vật BĐG. Chính vì thế, TS Toản khẳng định, Việt Nam cố gắng với sự nỗ lực của cả cơ quan quản lý, cả các chuyên gia, nhà khoa học và cả cộng đồng về mặt xây dựng các hành lang pháp lý.

Song cũng có nhiều ý kiến đặt câu hỏi, ở Đông Nam Á, mới chỉ có duy nhất Philippines cho phép thương mại hóa cây trồng này, còn một nước nông nghiệp tiên tiến như Thái Lan lại chưa, liệu Việt Nam có quá vội vàng không? Về vấn đề này, TS Toản cho biết: “Ở Thái Lan, họ lẽ ra có thể làm sớm hơn chúng ta nhưng cũng chưa làm được do chính trị bất ổn. Thực chất, BĐG là đỉnh cao của khoa học, chúng ta có thể tạo ra được cây trồng tránh được sự bất ổn của thời tiết, khí hậu, môi trường… thì tại sao không áp dụng”.

Mọi việc nên làm theo Luật

PGS-TS Lê Huy Hàm- Viện trưởng Viện Di truyền cho rằng, cây trồng BĐG đã có đánh giá của rất nhiều nước và đã được sử dụng rộng rãi từ năm 1996. Người ta đã kết luận rằng: Đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ con người, vật nuôi… cây trồng BĐG không có rủi ro lớn hơn so với cây trồng truyền thống.

“Hiện nay, thức ăn chăn nuôi mà chúng ta phải nhập về tốn vài tỷ USD mỗi năm và an ninh lương thực là vấn đề cấp bách của cả đất nước. Vì thế, các bộ, ngành cần chia sẻ trách nhiệm này với ngành nông nghiệp để ứng dụng cây trồng BĐG nhanh hơn”- ông Hàm chia sẻ.

Là người từng trực tiếp xây dựng Luật An toàn thực phẩm (thông qua năm 2010), PGS-TS Nguyễn Đăng Vang – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Các nước châu Á, trong đó có nước ta đã nhập khẩu từ Mỹ, Brazil và Argentina khá nhiều đậu tương, ngô BĐG. Hiện Việt Nam còn quy định 5% BĐG (tương đương như Nhật Bản) là phải ghi nhãn mác BĐG, đó là sản phẩm cho người. Còn cho gia súc, thế giới cũng không bàn luận đâu là nguyên liệu BĐG hay không BĐG”.

Chính vì thế, ông Vang cho rằng, hiện Việt Nam đang thiếu nguyên liệu làm TACN thì việc trồng cây trồng BĐG chẳng có ảnh hưởng gì. “Chúng ta tạo ra sản lượng 1-1,1 triệu tấn ngô mỗi năm, chủ yếu là ngô lai, không phải BĐG. Một số người có hỏi tôi, thời điểm này đã ứng dụng được cây trồng BĐG hay chưa? Theo tôi, một khi chúng ta đã có Luật Đa dạng sinh học, có Hội đồng An toàn sinh học thức ăn chăn nuôi BĐG, thì mọi việc nên làm theo luật và để hội đồng ra quyết định, đánh giá rủi ro”.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, tới thời điểm này hành lang pháp lý đã đầy đủ, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và người dân đều đồng thuận sẽ là cơ hội thuận lợi để chính thức ứng dụng cây trồng BĐG. Một lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Về mặt pháp lý, thời điểm ứng dụng cây trồng BĐG, có thể bắt đầu từ vụ đông xuân tới sau khi được Bộ TNMT cấp phép công nhận”