Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, nằm ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, không chỉ là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên nổi bật của đất nước mà còn mang một giá trị đa dạng sinh học quan trọng đối với toàn cầu. Với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, nơi đây không chỉ là nhà của nhiều loài động, thực vật quý hiếm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn môi trường sống tự nhiên.
Về mức độ đa dạng sinh học. khu hệ thực vật có số lượng loài thực vật tại VQG Bidoup – Núi Bà là 1945 loài, thuộc 815 chi và 180 họ, trong đó có 73 loài thuộc 30 họ có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Đồng thời, trong số các loài thực vật , có tới 39 loài thực vật đặc hữu có phân bố hẹp tại khu vực Bidoup và được la tinh hóa như mẫu chuẩn theo tên Đà Lạt, Langbiang, Bidoup.
Bên cạnh đó, khu hệ thú của VQG Bidoup – Núi Bà có khoảng 111 loài thuộc 28 họ và 12 bộ. Trong đó nhóm thú lớn gồm 7 bộ,16 họ, 48 loài; Nhóm thú nhỏ gồm 5 bộ, 12 họ, 63 loài; Khu hệ chim VQG Bidoup – Núi Bà có khá nhiều điểm khác biệt so với những khu hệ chim rừng ở vùng đồng bằng, bình nguyên, vùng chân núi khác của Việt Nam. Đây là khu vực có những mẫu chuẩn về cảnh quan địa phương mà trên đó còn gìn giữ được sự đa dạng cao của các loài chim, trong đó có những loài bản địa và loài hiếm và rất hiếm. Các kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được khu hệ chim của VQG Bidoup – Núi Bà có khoảng 301 loài thuộc 53 họ, 16 bộ.
Trong 16 bộ chim của VQG Bidoup – Núi Bà thì bộ Sẻ là bộ có số lượng họ và loài chiếm ưu thế nhất với khoảng 30 họ và 180 loài, chiếm 57% tổng số họ và 67% tổng số loài chim đã được ghi nhận. Sự quý hiếm của các loài chim không chỉ giới hạn ở tình trạng bảo vệ trong Sách đỏ Việt Nam hay Sách đỏ thế giới IUCN mà còn thể hiện ở tính đặc hữu và vùng phân bố của loài. Khu vực VQG Bidoup – Núi Bà có đến 127 loài chim quan trọng có tên trong danh lục Sách đỏ Việt Nam 2007, Sách đỏ thế giới IUCN 2012.
Ở mức độ nguy cấp gồm loài cực kì nguy cấp (CR) và nguy cấp (EN) có 5 loài là: Khướu hông đỏ; Khướu đầu đen; Gà lôi vằn; Sẻ thông họng vàng; Trèo cây mỏ vàng. Về loài đặc hữu, có 3 loài đặc hữu của Việt Nam: Sẻ thông họng vàng và Khướu đầu đen má xám Trochalopteron yersini, ngoài ra còn có loài lách tách đầu đốm, là loài phụ được tách ra từ loài Rufous-winged Fulvetta.
Khu hệ Bò sát VQG Bidoup – Núi Bà gồm có 2 bộ là bộ Có vảy và bộ Rùa Testudines. Bộ Có vảy gồm phân bộ Thằn lằn, phân bộ Rắn. Phân bộ Thằn lằn gồm 7 họ, 38 loài. Phân bộ Rắn có mức độ đa dạng nhất gồm 6 họ là họ Rắn giun, họ, họ Rắn mống, họ Rắn nước, họ Rắn hổ và họ Rắn lục. Bộ Rùa là bộ có mức độ đa dạng thấp. Theo đó, VQG Bidoup – Núi Bà hiện chỉ ghi nhận 3 họ với 4 loài thuộc bộ Rùa. Trong các loài thuộc bộ Bò sát ghi nhận tại VQG Bidoup – Núi Bà có 52 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ IUCN 2010.
Khu hệ Lưỡng cư gồm 78 loài thuộc 2 bộ là bộ Không đuôi và bộ Không chân. Bộ Không chân chỉ có 1 họ Ếch giun với 1 loài duy nhất là loài Ếch giun. Còn lại 77 loài thuộc bộ Không đuôi gồm 6 họ: họ Ếch cây có 19 loài; họ Nhái bầu có 16 loài; họ Ếch nhái có 15 loài và họ Cóc Bùn có 13 loài. Họ Ếch nhái chính thức có 11 loài chia thành 2 họ phụ là họ phụ Dicroglossinae 8 loài và họ phụ Occidozyginae 3 loài. Họ Cóc Bufonidae có 3 loài.
Khu hệ các VQG Bidoup – Núi Bà đã ghi nhận 22 loài cá nước ngọt thuộc 6 họ, 14 giống. Trong 6 họ cá nước ngọt ghi nhận tại VQG Bidoup, họ Balitoridae có số lượng loài cao nhất, tiếp đó là họ Cá chép với 8 loài. Các họ còn lại có số lượng loài từ 1 – 2 loài. Trong số 22 loài cá nước ngọt ghi nhận tại đây có 19 loài có tên trong Sách đỏ IUCN 2010 bao gồm 14 loài cấp LC, 4 loài cấp DD và 1 loài cấp NT.
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà không chỉ là một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị đối với Việt Nam mà còn mang tầm quan trọng toàn cầu. Với sự đa dạng sinh học phong phú, nơi đây không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống tự nhiên mà còn đóng góp vào công cuộc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là trách nhiệm không chỉ của Việt Nam mà còn của cộng đồng quốc tế./.
NBCA