Giải pháp phát triển đa dạng sinh học tại Việt Nam

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các hệ sinh thái tự nhiên còn có vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường. Ngoài ra ĐDSH còn là nguồn cảm hứng văn hoá nghệ thuật và gắn liền với đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

Tuy vậy, không thể phủ nhận được thực tế là tài nguyên ĐDSH của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật. ĐDSH suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân”. Vì vậy, nếu không có sự đầu tư và điều chỉnh kịp thời, ĐDSH Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm và để lại những hệ lụy không nhỏ đối với phát triển đất nước và đời sống nhân dân. Trước những thực trạng trên, cần một số giải pháp nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

  1. Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch và Chiến lươc quốc qia về đa dạng sinh học

Quy hoạch bảo tồn ĐDSH dựa trên nền tảng cơ sở khoa học sẽ là yếu tố quan trọng then chốt cho việc thực hiện bảo tồn hiệu quả. Các nội dung yêu cầu trong Luật Đa dạng sinh học về quy hoạch bảo tồn ĐDSH cần được thực hiện đầy đủ. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước, cần thiết lập được hệ thống bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ, phù hợp với các quy hoạch về phát triển kinh tế, xã hội và làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên quan cũng như các quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

 Bên cạnh quy hoạch bảo tồn ĐDSH, Chiến lược bảo tồn ĐDSH thể hiện được tầm nhìn và định hướng dài hạn, trung hạn cho bảo tồn ĐDSH. Với chiến lược mới, các thành phần của ĐDSH sẽ được xem xét, quản lý một cách tổng thể, tránh được sự chia cắt, phân tán.

  1. Đổi mới cơ chế tài chính cho bảo tồn ĐDSH

Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính cho ĐDSH, từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ quốc tế và các nguồn thu khác.

Đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các cơ chế tài chính mới để hỗ trợ cho công tác bảo tồn, trong đó ưu tiên nghiên cứu, áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ ĐDSH.

  1. Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho bảo tồn ĐDSH

Đây là việc làm ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Luật Đa dạng sinh học. Trong đó, ưu tiên xây dựng các văn bản hướng dẫn các nội dung về quy hoạch ĐDSH, bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước (ĐNN), quản lý hệ thống khu bảo tồn, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn tài nguyên di truyền, quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, quản lý sinh vật biến đổi gen, cơ chế tài chính cho quản lý và bảo tồn ĐDSH.

  1. Củng cố và phát triển hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn

Trước mắt, cần sớm phân định rõ ràng chức năng quản lý bảo tồn ĐDSH giữa các bộ, ngành; Xây dựng, đào tạo và tăng cường lực lượng cán bộ nòng cốt cho công tác bảo tồn ĐDSH từ trung ương đến địa phương; Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa trung ương và địa phương trong quản lý ĐDSH.

  1. Đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật về ĐDSH

Tăng cường tuyên truyền và phổ biến các văn bản pháp luật từ trung ương đến địa phương, từ các cấp chính quyền đến cộng đồng dân cư để đảm bảo các văn bản, chính sách về ĐDSH đến với quan trí và dân trí nhằm nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về bảo tồn ĐDSH trong các cấp và cộng đồng.

  1. Xã hội hoá công tác bảo tồn

Tiếp tục phát huy được sự đóng góp của khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng cho công tác bảo tồn. Muốn thực hiện được điều đó, ngoài việc tạo cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp, cần tiếp tục thúc đẩy giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối ĐDSH, chú trọng tới vấn đề thay đổi mẫu hình tiêu thụ đối với ĐDSH.

  1. Xây dựng và thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu về ĐDSH

Cần triển khai chương trình kiểm kê đa dạng sinh học và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học thống nhất trên phạm vi cả nước.  Thúc đẩy thực hiện quy hoạch và vận hành hệ thống quan trắc ĐDSH; thiết lập chế độ báo cáo và công khai thông tin về ĐDSH.

  1. Truyền thông nâng cao nhận thức

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nội dung bảo tồn ĐDSH đã tới được công chúng và các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các thành phần xã hội về vai trò của ĐDSH trong sự phát triển bền vững quốc gia và góp phần xây dựng các tiêu chuẩn về mối quan hệ giữa con người và môi trường, giữa bảo vệ và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Một số hoạt động nâng cao nhận thức dựa trên hiện trường cũng đã được triển khai phục vụ các cộng đồng sống trong và gần các khu bảo tồn.

  1. Hợp tác quốc tế

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin. Giữ vai trò tích cực, chủ động trong việc tham gia các Công ước quốc tế, hài hòa lợi ích quốc tế và quốc gia. Tiếp tục huy động các nguồn tài trợ song phương và đa phương cho bảo tồn ĐDSH, đặc biệt nguồn hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu, các chương trình hợp tác với Trung tâm ĐDSH ASEAN, Sáng kiến Toàn cầu về Bảo tồn hổ…

NBCA