Bảo tồn các loại chim hoang dã, di cư; bảo vê voọc mông trắng… đó là các chỉ đạo mới nhất từ UBND thành phố Hà Nội nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của thành phố.
Khẩn cấp bảo vệ loài voọc quý hiếm
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức tập trung triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ loài vọoc mông trắng ở khu rừng đặc dụng Hương Sơn.
Cụ thể, thành phố đề nghị Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) tăng cường công tác tuyên truyền để bảo vệ các loài linh trưởng, đặc biệt là loài vọoc mông trắng. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, bảo vệ các loài linh trưởng nói chung theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 628/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
UBND thành phố đồng thời đề nghị huyện Mỹ Đức chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã có rừng tổ chức quản lý chặt chẽ du khách thăm quan, du lịch, tham gia lễ hội; phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan thực hiện công tác tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ các loài linh trưởng nói chung, trong đó có vọoc mông trắng.
Theo kết quả điều tra mới đây của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurt (Đức), phát hiện loài voọc mông trắng quý hiếm tại khu rừng đặc dụng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Hiện, loài này chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hoà Bình, Thanh Hoá.
Bảo tồn chim hoang dã, di cư
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành, quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, công chức trong đơn vị và người dân không săn bắt, bẫy, mua bán, giết mổ, sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư.
Sở NN&PTNT phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý các chợ, địa điểm kinh doanh, mua bán chim (Hoàng Hoa Thám, Yên Phúc…); tổ chức kiểm tra hộ kinh doanh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc săn bắt, bẫy chim tự nhiên đưa về các khu chợ.
Riêng huyện Ba Vì – một trong những nơi có sinh cảnh được đánh giá là tốt nhất cho sinh trưởng, phát triển của chim hoang dã, di cư của thành phố hiện nay, thành phố yêu cầu huyện phối hợp cùng các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không cho tác động cơ học vào khu bãi giữa Văn Lang.
Đối với khu vực sông Hồng, UBND TP Hà Nội giao Sở NN&PTNT phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực sông Hồng, các tụ điểm buôn bán, các chợ chim, khu vực bẫy chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xây dựng biển cảnh báo về bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư ven dọc hai bên bờ sông Hồng. Bởi theo kết quả điều tra của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) năm 2021 và 2022, các khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là nơi dừng chân, trú đông, sinh sống, làm tổ của ít nhất 232 loài chim, trong đó có 192 loài di cư bao gồm cả loài cực kỳ nguy cấp như Sẻ đồng ngực vàng tại các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng (Hà Nội).
Phía CCD cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm bảo vệ các loài chim, phục hồi sinh cảnh tự nhiên ở các bãi bồi, bãi giữa sông Hồng. Đơn cử như các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công chúng; các hoạt động trải nghiệm, thi chụp ảnh chim; các hoạt động tuần tra bảo vệ, ngăn chặn, thảo gỡ lưới bắt chim vào mùa di cư; lập các khu bảo tồn chim ở bãi giữa; trồng bổ sung và phục hồi các sinh cảnh tự nhiên trên các bãi…
Theo monre.gov.vn