Hiện trạng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam

Theo phân loại di sản thiên nhiên (DSTN) là đối tượng đã được xác lập theo các pháp luật khác (Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh đã được thành lập và quản lý theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản, di sản văn hóa); DSTN được tổ chức quốc tế công nhận (di sản thiên nhiên thế giới; khu dự trữ sinh quyển thế giới; công viên địa chất toàn cầu; vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); Vườn di sản ASEAN (AHP) và các di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận); Di sản thiên nhiên khác.

Theo đó, về hiện trạng các bhu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), tính đến năm 2020, theo thống kê có 178 khu BTTN ở Việt Nam (bao gồm 162 KBT trên đất liền, 06 KBT ven biển và 10 KBT biển) với tổng diện tích là 2.662.644,67 ha, gồm 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Trong đó tổng diện tích các KBT thuộc vùng biển, ven biển là 325.789,91ha, tổng diện tích các KBT phần đất liền là 2.336.854,76ha.

Trong các vùng sinh thái, vùng Đông Bắc có số lượng KBT nhiều nhất (45 khu), sau đó là vùng Bắc Trung Bộ (32 khu), vùng Đông Nam Bộ có số lượng KBT ít nhất (10 khu). Về diện tích, vùng Bắc Trung Bộ diện tích KBT lớn nhất (657.795,74ha), tiếp sau là vùng Tây Nguyên (514.851,16ha). Vùng Đồng bằng Sông Hồng diện tích KBT thấp nhất (140.398,97ha). Vùng Đông Bắc và Tây Nguyên có nhiều VQG nhất (6 VQG). Tổng diện tích VQG ở Tây Nguyên là lớn nhất: 361.525,39ha, tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ (319.252,70ha). Vùng Đông Bắc có số lượng khu DTTN nhiều nhất (15 khu), trong khi vùng Bắc Trung Bộ chỉ có 12 khu nhưng tổng diện tích các khu DTTN lại lớn nhất: 301.924,93ha. Vùng Đông Bắc có 05 KBT loài – sinh cảnh với diện tích: 46.255,16ha và có số lượng khu bảo vệ cảnh quan (BVCQ) nhiều nhất (19 khu), trong khi vùng Nam Trung Bộ chỉ có 09 khu BVCQ nhưng tổng diện tích các khu BVCQ lại lớn nhất: 37.651,80ha.

Theo quy định của pháp luật về, UBND cấp tỉnh quản lý các KBT có toàn bộ diện tích thuộc địa bàn quản lý của mình; Bộ NN&PTNT quản lý KBT cấp quốc gia thuộc khu RĐD trên cạn, vùng biển có diện tích thuộc địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; Bộ TN&MT có trách nhiệm quản lý KBT cấp quốc gia vùng đất ngập nước, núi đá vôi, đất chưa sử dụng và các vùng sinh thái hỗn hợp có diện tích thuộc địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Hệ thống quan trắc đa dạng sinh học khu bảo tồn chưa được xây dựng

Quan trắc đa dạng sinh học đã được quan tâm, thể hiện trong các Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 2006 tới nay, 44 vườn quốc gia và vùng đất ngập nước của Việt Nam đã được quy hoạch trong mạng lưới này. Tuy nhiên, cho tới nay các hoạt động quan trắc đa dạng sinh học còn hết sức hạn chế.

Hiện đã có các bộ chỉ thị cho quan trắc đa dạng sinh học ở các cấp quốc gia/tỉnh và cho khu bảo tồn với các hệ sinh thái đặc trưng của Việt Nam như rừng, đất ngập nước, biển và ven biển được xây dựng nhưng cũng trong phạm vi dự án và chưa có tính pháp lý ban hành để sử dụng rộng rãi. Hệ thống KBT ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quan trắc và lập báo cáo một cách hệ thống về tình trạng ĐDSH của KBT theo quy định của Luật ĐDSH. – Hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành trong quản lý và bảo vệ KBT vẫn còn hạn chế do bị động, thiếu tính liên tục, phối hợp chưa chặt chẽ; – Cơ chế, chính sách gắn kết cộng đồng dân cư vào công tác quản lý RĐD còn nhiều bất cập; – Nhiều KBT diện tích quá nhỏ, chưa bảo vệ tốt các đối tượng cần bảo vệ, đặc biệt bảo vệ các thú lớn có khả năng di chuyển rộng như: VQG Yok Đôn, VQG Cát Tiên, VQG Vũ Quang./.

NBCA