Nhằm lấy ý kiến đối với dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Điều 17 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học” (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và Điều 17 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP của Chính phủ), ngày 12/7/2024 Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan khu vực miền Bắc cho dự thảo Nghị định.
Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng các đại biểu tham dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Đại diện các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan nghiên cứu, Trường Đại học, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các Sở Tài nguyên và Môi trường và các Cơ quan Kiểm lâm các tỉnh khu vực phía Bắc. TS. Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.
TS. Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Trong lời phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Tài cho biết, thực hiện Luật Đa dạng sinh học năm 2008 ngày 12 tháng 11 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (gọi tắt là Nghị định số 160/2013/NĐ-CP) và đã được cập nhật tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP đã bộc lộ một số bất cập và phát sinh các vấn đề mới trên thực tiễn cần có quy định để quản lý, bảo tồn hiệu quả các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như phục hồi sinh cảnh loài, cứu hộ, tái thả, chuyển vị vì mục đích bảo tồn,…. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới được ban hành như: Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017); Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020,…và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã được ban hành nên một số quy định tại Nghị định số 65/2010/NĐ-CP và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP cần được rà soát để bảo đảm thống nhất Một số vấn đề cần được cụ thể hóa, giảm thiểu các thủ tục hành chính để hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển như vấn đề trao đổi, tặng cho, lưu giữ, vận chuyển, nuôi trồng,…các loài được ưu tiên bảo vệ. Các chính sách hỗ trợ nguồn lực tài chính, kỹ thuật cho công tác bảo tồn loài, phát huy vai trò của các loài hình cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học cũng cần được rà soát, đánh giá và quy định cụ thể.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Điều 17 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học”.
Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học giới thiệu dự thảo Nghị định
Các đại biểu tham dự hội thảo đại diện các Bộ, một số Sở TN&MT, tổ chức quốc tế, Ban Quản lý khu bảo tồn, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo, trong đó tập trung vào các nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định sửa đổi như: tiêu chí xác định loài và danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; chế độ quản lý như hoạt động nuôi, trồng, trao đổi, mua bán, tặng, cho; cứu hộ, tái thả, chuyển vị; điều kiện đăng ký, thành lập các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lực, chính sách hỗ trợ cũng như thẩm quyền, trách nhiệm quản lý đối với các Bộ, ngành và địa phương; thể thức văn bản và phạm vi sửa đổi của dự thảo Nghị định.
Đại biểu phát biểu ý kiến góp ý
Kết thúc Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đánh giá các ý kiến góp ý của các đại biểu đều hết sức bổ ích, xác đáng đối với nội dung dự thảo; đồng thời giao đơn vị chủ trì tham mưu soạn thảo của Cục nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện nội dung của dự thảo Nghị định này./.
NBCA