Hội nghị Ủy ban Chương trình Vườn Di sản ASEAN lần thứ 11- Việt Nam tích cực xây dựng hồ sơ đề cử đối với các Vườn Di sản ASEAN tiềm năng

Nhằm tổng kết các hoạt động của Ủy ban Chương trình Vườn di sản ASEAN (AHP) và Chương trình Vườn Di sản ASEAN; cập nhật các thông tin về các dự án/đối tác tài trợ AHP; chuẩn bị nội dung tổ chức Hội nghị AHP lần thứ 8 dự kiến tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có các thành viên của Ủy ban Chương trình AHP của 10 quốc gia thành viên ASEAN; Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) và các đối tác quốc tế triển khai Chương trình AHP.

Hội nghị AHP lần thứ 11 đã ghi nhận các đề cử đối với 04 Vườn quốc gia/Khu bảo tồn tiềm năng trở thành Vườn di sản ASEAN bao gồm: Khu Bảo tồn Quốc gia Phou Xieng Thong, CHDCND Lào; Công viên Tự nhiên Hồ đôi Balinsasayao, Philippines; Khu Bảo tồn động vật hoang dã Đảo Rùa, Philippines; Công viên Tự nhiên Rạn san hô Apo, Philippines để tiếp tục xem xét tại Nhóm công tác AWGNCB.

Uỷ ban AHP cũng xem xét các nội dung hoạt động chính thuộc Chương trình AHP, bao gồm: việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực về AHP (2023-2030); Sổ tay vận hành AHP và việc tổ chức Hội nghị AHP lần thứ 8, dự kiến tại Việt Nam. Theo đó, Cuộc họp yêu cầu ACB xem xét lại tầm nhìn; cách diễn đạt của các mục tiêu để phản ánh tốt hơn mức độ ưu tiên của các mục tiêu và chỉ tiêu của Kế hoạch hành động AHP. Các thành viên Ủy ban bày tỏ sự ủng hộ trong việc thiết lập Mạng lưới đất ngập nước đô thị ASEAN và trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến AHP về (i) Phân tích khoảng trống hệ sinh thái AHP; và (ii) Phân tích không gian địa lý các hệ sinh thái bị suy thoái ở ASEAN.

Cuộc họp ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đối với việc đăng cai Hội nghị AHP8 và yêu cầu ACB huy động kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật cho Hội nghị AHP8.

Chương trình Vườn di sản ASEAN

Cuộc họp AWGNCB đã thông qua 04 đề cử các Vườn di sản ASEAN mới, đối với Khu Bảo tồn Quốc gia Phou Xieng Thong, CHDCND Lào; Công viên Tự nhiên Hồ đôi Balinsasayao, Philippines; Khu Bảo tồn động vật hoang dã Đảo Rùa, Philippines; Công viên Tự nhiên Rạn san hô Apo, Philippines.

Cuộc họp cũng ghi nhận các đề cử AHP tiềm năng, gồm: Vườn quốc gia Gunung Gede Pangrango và Vườn quốc gia Kayan Mentarang của Indonesia; Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Quân đội Hoàng gia Thái Lan của Thái Lan. CHDCND Lào hiện đang chuẩn bị đề cử 07 khu bảo tồn là AHP; Việt Nam cũng thông báo  đang chuẩn bị hồ sơ đề cử đối với 03  khu bảo tồn là AHP, dự kiến đệ trình năm 2025.

Một số hồ sơ đề cử liên biên giới hiện đang trong quá trình xem xét nhưng chưa hoàn thiện như: Khu bảo tồn thiên nhiên Taninthayi (Myanmar); Khu bảo tồn quốc gia Nam Poui (CHDCND Lào); và Vườn quốc gia Tham Luang-Khun Nam Nang Non (Thái Lan) được khuyến khích tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan để sớm hoàn thiện hồ sơ đề cử.

Đối với của dự thảo Kế hoạch hành động khu vực về AHP (2023 – 2030), Cuộc họp đề nghị làm rõ vai trò hỗ trợ của ACB trong thí điểm các phương pháp tiếp cận quản lý tiên tiến ở một số nước ASEAN; thúc đẩy trao đổi thông tin về các thực tiễn tốt; các chuyến tham quan trao đổi, các diễn đàn và hội thảo khu vực và song phương; chia sẻ các tài liệu kỹ thuật có liên quan. Dự thảo Kế hoạch hành động sẽ được gửi các nước ASEAN góp ý, hoàn thành trước ngày 19/8/2024.

Cùng với đó, dự thảo Hướng dẫn vận hành Chương trình AHP cũng cần bổ sung đầy đủ các tiêu chí đề cử, quy trình đánh giá và giám sát, sắp xếp thể chế của Chương trình AHP. Dự thảo sẽ được gửi các nước góp ý, hoàn thành trước ngày 19/8/2024.

Đối với việc tổ chức Hội nghị AHP lần thứ 8, dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào năm 2025 (theo thông lệ luân phiên giữa các nước ASEAN): Cuộc họp thống nhất các chủ đề của Hội nghị sẽ bao gồm: phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu và các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Đồng thời, ACB phối hợp với nước chủ nhà sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và gửi giấy mời của Hội nghị ít nhất hai tháng trước khi Hội nghị diễn ra để đảm bảo quá trình thực hiện các thủ tục cử đại diện tham dự trong nước.

Tham dự Hội nghị AHP lần thứ 11, Đoàn Việt Nam đã thông tin đến Ban Thư ký ASEAN, ACB và Cuộc họp việc Việt Nam đang tích cực xây dựng hồ sơ đề cử đối với 03 AHP tiềm năng là Vườn quốc gia Pù Mát, Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai. Đối với Hội nghị AHP8 dự kiến tổ chức tại Việt Nam, Đoàn Việt Nam đã đề nghị Cuộc họp xem xét, mở rộng chủ để của Hội nghị, nhằm nhấn mạnh vai trò của các AHP trong triển khai thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF); đồng thời, đề nghị ACB hướng dẫn các quốc gia thành viên ASEAN trong việc đăng ký các sự kiện bên lề.

Đối với dự thảo AJS, Đoàn Việt Nam đã đề nghị bổ sung các nội dung ưu tiên đề nghị Quỹ khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF) hỗ trợ để thực hiện ABP và NBSAP của quốc gia, phù hợp với các kết luận của COP15. Đối với Sáng kiến Đa dạng sinh học và Khí hậu, Việt Nam đề nghị ACB thúc đẩy quan hệ đối tác và huy động nguồn lực cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS), đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm kê các thực tiễn tốt nhất về NBS trong khu vực, đánh giá nhu cầu năng lực áp dụng NBS, các hoạt động xây dựng năng lực để thúc đẩy NBS trong các biện pháp bảo tồn và thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Đoàn Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm và sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN và ACB trong tổ chức triển khai Sự kiện bên lề của ASEAN tại Hội nghị COP16 liên quan đến bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

 Bên lề Cuộc họp, Đoàn Việt Nam cũng có buổi làm việc với đại diện ACB để thảo luận, làm rõ các yêu cầu của ACB đối với Hội nghị AHP8, thông báo về quy trình xin chủ trương tổ chức Hội nghị, thống nhất cách thực phối hợp triển khai trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị.

Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Cuộc họp Ủy ban Chương trình Vườn di sản ASEAN là các cuộc họp quan trọng, thường niên để thực hiện Kế hoạch hành động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của ASEAN và Chương trình Vườn di sản ASEAN. Cuộc họp với mục đích thông qua nhiều tài liệu, hoạt động nhằm triển khai các mục tiêu của ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thực hiện cam kết của các quốc gia ASEAN trong hợp tác về môi trường nói chung và tại các cuộc họp cấp cao (AMME, Summit) có liên quan trong khuôn khổ hợp tác về Môi trường nói riêng.

Bên cạnh đó, Cuộc họp còn là cơ hội để tăng cường mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau và với các đối tác quốc tế đồng thời, tạo điều kiện để tận dụng các nguồn hỗ trợ của khu vực nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và triển khai một số hoạt động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo chương trình của khu vực./.

NBCA