Hội thảo đẩy mạnh tăng cường liên kết, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Hiện nay, việc triển khai Chính phủ số, Chính phủ điện tử trong đó có các hoạt động cung cấp, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương đến cơ sở. Trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã có các quy định về việc quản lý, chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu, tuy nhiên việc triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế. Thông tin, dữ liệu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học còn nằm phân tán ở các Bộ, ngành, địa phương và một số đơn vị có liên quan khác theo phân cấp quản lý. Những thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học mang tính tổng hợp, có thể thống kê ở quy mô lớn còn thiếu và trống khá nhiều. Ở cấp trung ương, một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng đã được xây dựng nhưng mới chỉ phục vụ cho công tác quản lý của chính đơn vị và cung cấp thông tin trong phạm vi hẹp. Ở cấp địa phương và cấp cơ sở, thông tin dữ liệu về BTTN&ĐDSH còn hạn chế hơn do thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện.

Để triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, chia sẻ thông tin dữ liệu, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về khai thác, chia sẻ thông tin trong giai đoạn chuyển đổi số, trong thời gian qua, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã đang triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia (CSDL ĐDSH). Mục tiêu là phát triển một Hệ thống thông tin dùng chung từ cấp Trung ương đến địa phương (Sở TN&MT, Sở NN & PTNT) và cơ sở (Ban quản lý Khu bảo tồn/Cơ sở bảo tồn), từng bước kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các CSDL ĐDSH của địa phương, cơ sở, các CSDL chuyên ngành có liên quan; Hệ thống này cũng hướng tới có sự tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác dữ liệu của các bên có liên quan như các Bộ ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, phi chính phủ… Tuy nhiên, để từng bước đạt được những mục tiêu đặt ra, cần có sự kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức để hình thành được một mạng lưới, cần thiết xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị để có thể triển khai hệ thống thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học khả thi và hiệu quả. Với những lý do nêu trên, ngày 16 tháng 8 năm 2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh tăng cường liên kết, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học”.   

Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các tỉnh/thành phố Khu vực miền Trung và Miền Nam; Đặc biệt là đại biểu đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, bảo vệ cảnh quan… của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của một số cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, vv…

Bên cạnh những bài trình bày, báo cáo tham luận đánh giá về hiện trạng quản lý, khai thác thông tin, dữ liệu đa dạng sinh học ở các cấp, giới thiệu về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đang được triển khai xây dựng, Hội thảo cũng đã dành thời gian để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, thách thức đang đặt ra hiện nay đối với việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó có các nhiệm vụ về điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học ở cấp địa phương và cấp cơ sở. Đặc biệt là những khó khăn trong việc xin các nguồn kinh phí, xây dựng thuyết minh dự toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai. Về phía đơn vị chủ trì, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng đã có những trao đổi trong việc xây dựng các đề xuất và chỉ rõ những căn cứ pháp lý cần thiết để triển khai thực nhiệm vụ, dự án ở cấp địa phương, cơ sở; đưa ra một số định hướng triển khai các hoạt động liên quan đến việc xây dựng mạng lưới, thu thập và quản lý thông tin dữ liệu đa dạng sinh học. Theo đó, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và thực hiện phân quyền, cấp tài khoản để các địa phương, cơ sở (ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên/cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học) có thể tham gia cập nhật và khai thác thông tin trên hệ thống.

Kết thúc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phan Việt Nga đã tóm tắt lại các nội dung chính, giao Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đặt ra; tiếp tục giữ vai trò là đơn vị đầu mối kết nối với các đơn vị có liên quan từ cấp trung ương, địa phương, đến cấp cơ sở. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ xây dựng kế hoạch triển khai Hội thảo này trở thành Hội thảo thường niên theo các chủ đề được quan tâm, để các đơn vị có mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên hơn, từng bước xây dựng được một hệ thống trao đổi, kết nối thông tin và cơ chế chia sẻ, hợp tác giữa các đơn vị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học các cấp góp phần triển khai Chương trình về chuyển đổi số, triển khai Chính phủ số, Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử ở các cấp.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Bà Phan Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục BTTN&ĐDSH khai mạc Hội thảo

Bà Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học

Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định

Đại diện Lãnh đạo Cục và Lãnh đạo Trung tâm chủ trì thảo luận

Đại biểu tham dự Hội thảo

NBCA