Tăng trưởng xanh là cách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển đồng thời bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững về tài nguyên thiên nhiên. Thực tế, VN hiện nay chưa bắt nhịp được với xu thế mới này.
Theo Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT), thì tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng về kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo thống kê của Hàn Quốc – một trong những quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh – từ tháng 8.2008 đã xây dựng một chiến lược sống còn là dành trên 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỉ USD cho việc chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Trung Quốc cũng đang có những cuộc cách mạng xanh – sạch, cách mạng công nghệ cao và đến nay chỉ tính riêng trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo, mỗi năm quốc gia này đã thu được 17 tỉ USD và tạo công ăn việc làm cho trên 10 triệu người. Theo Chương trình môi trường LHQ (UNEP), lợi ích của tăng trưởng xanh là 2,3 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 20 triệu vào năm 2030. Thị trường cấp nước, vệ sinh sẽ tăng từ 253 tỉ USD lên 658 tỉ USD vào năm 2020. Các tòa nhà xanh sẽ tạo ra từ 2 – 3,5 triệu việc làm. Nền nông nghiệp hữu cơ cũng tạo ra hơn 30% việc làm/ha.
Với mục tiêu đến năm 2020 VN sẽ cơ bản trở thành một nước theo định hướng CNH-HĐH, tập trung hơn vào năng suất, tiết kiệm năng lượng và tăng trưởng GDP 7-8%/năm và mức tiêu thụ năng lượng theo GDP giảm xuống còn 2,5-3% trung bình năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện môi trường, đồng thời gỡ bỏ các rào cản, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi, tạo lợi thế cạnh tranh cho các loại hàng hóa dịch vụ môi trường, sản xuất sạch, sử dụng năng lượng sạch, xử lý chất thải…
Giám đốc Tổ chức Thế giới xanh (Green World) Thái Quang Trung cho biết, căn cứ vào 11 lĩnh vực của nền kinh tế xanh theo Chương trình bảo vệ môi trường của LHQ, thì VN có nhiều lợi thế. Điển hình là VN có thể chuyển các dự án bảo quản rừng thành các dự án CDM nhằm thu hút và biệt lập khí thải CO2 sẽ có một vị trí quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc đầu tư nâng cấp nông nghiệp gắn với hiện đại hóa nông thôn thành một nền kinh tế xanh sản xuất nông sản chất lượng càng củng cố VN đứng ở vị trí hàng đầu trong kịch bản đối phó với khủng hoảng an ninh lương thực. Bên cạnh đó, ngư nghiệp, thủy sản cũng là một thế mạnh cần khai thác và việc chế biến theo hướng sạch sẽ mở ra những triển vọng mậu dịch song phương với nhiều thị trường mới trên thế giới. Đặc biệt, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, năng lượng tái tạo… đều là những lĩnh vực tiềm năng còn chưa khai thác.
Theo laodong.vn