Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, tỉnh Quảng Nam (Khu DTST Cù Lao Chàm – Hội An)

Cù Lao Chàm – Tác giả LeThy

Khu DTST Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận ngày 26/05/2009 với tổng diện tích: 33.146 ha; dân số: 83.792người.

Khu sinh quyển này thể hiện sinh động việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên thông qua sự kết nối giữa di sản văn hóa Phố cổ Hội An và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm như một mô hình cho phát triển bền vững dưới sự điều phối của UBND Thành phố Hội An nhằm thực hiệu quả các chức năng của một khu sinh quyển thế giới, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững (Agenda 21) của địa phương.

Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo. Trên đảo và các vùng biển quanh đảo có đa dạng sinh học cao với 947 loài sinh vật thủy sinh. Trên những vùng núi cao của đảo có các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, nhiều loài sinh vật được ghi vào sách đỏ. Cư dân trên đảo sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, thu hái cây thuốc, dịch vụ du lịch… đặc biệt là nghề khai thác tổ yến. Đây là một dạng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và còn là dược liệu có thể chữa nhiều bệnh hiểm nghèo. Có thể nói: “Bảo vệ thiên nhiên tốt sẽ mang lại điều kiện sống tốt cho chim yến và sinh kế người dân địa phương cũng được bền vững”. Di sản văn hóa phố cổ Hội An gần như nguyên vẹn với những dãy phố soi bóng trên bờ sông Thu Bồn. Kiến trúc các ngôi nhà bằng gỗ quý, nội thất được trang trí hoành phi, câu đối, cột nhà chạm trổ hoa văn đều mang nét văn hóa Nhật Bản, Trung Quốc thời giao lưu thương mại từ mấy trăm năm trước đây, cùng với những giá trị phi vật thể là những lễ hội, tập quán, phong tục dân gian còn đang được bảo tồn rất tốt với ý nghĩa một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Hiệu quả của việc kết nối giữa di sản văn hóa và bảo tồn biển là phát triển các loại hình du lịch, nâng cao mức sống người dân.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH