Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng (Khu DTSQ Sông Hồng)

Vườn quốc gia Xuân Thủy (thuộc khu DTSQ Sông Hồng) – Ảnh do VQG cung cấp

Khu DTSQ Sông Hồng được công nhận ngày 2 tháng 12 năm 2004. Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển này lớn hơn 105.558 ha, trong đó có 66.256 ha là đất liền ven biển và 39.302 ha mặt nước biển thuộc 25 xã của các huyện Kim Sơn (Ninh Bình); Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định); Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình).

Vùng lõi có diện tích 14.167 ha. Mục tiêu quản lý vùng lõi là bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế các hoạt động của con người. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có hai vùng lõi, là Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Vùng đệm có diện tích 36.849 ha. Là vùng tiếp giáp với vùng lõi, có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí nhưng không ảnh hưởng đến mục đích bảo tồn trong vùng lõi. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có năm vùng đệm thuộc địa giới hành chính của 5 huyện: Thái Thuỵ và Tiền Hải – Thái Bình; Giao Thuỷ và Nghĩa Hưng – Nam Định; Kim Sơn – Ninh Bình. Ranh giới vùng đệm được tính từ đê biển ra phía ngoài bãi bồi thấp nhất khi nước triều xuống. Toàn bộ diện tích rừng ngập mặn được khôi phục và trồng mới cùng với các bãi nuôi vạng, hệ thống đầm nuôi thuỷ sản giáp chân đê biển đều nằm trong vùng đệm. Đây là khu vực rất quan trọng cho các loài chim di cư từ vùng lõi cũng như các nơi khác đến kiếm ăn và trú ngụ. Việc quản lý đặt dưới sự chỉ đạo của cơ quan và chính quyền địa phương trong việc kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương và bảo tồn rừng ngập mặn vừa có tác dụng phòng hộ vừa góp phần tăng nguồn lợi thuỷ hải sản.

Chim trong vườn quốc gia Xuân Thủy – Ảnh do VQG cung cấp

Vùng chuyển tiếp có diện tích 54.541 ha còn được gọi là vùng phát triển bền vững, nơi cộng tác của các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ đi đôi với tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng có năm vùng chuyển tiếp thuộc địa giới hành chính của 5 huyện. Ranh giới vùng chuyển tiếp được xác định dựa trên địa giới hành chính xã nằm dọc theo đê biển.

Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng được biết đến như một ga chim quan trọng trong khu vực. Ở đây có khoảng 200 loài chim,trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, móng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc…

Hệ sinh thái rừng ngập mặn là sinh cảnh đặc sắc ở nơi đây, với những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, các vùng đầm lầy và bãi bồi cửa sông, ven biển. Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, gió bão, thích ứng biến đổi khí hậu, nước dâng và là lá chắn an toàn để bảo vệ hệ thống đê biển, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng ven biển 3 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.

Rừng ngập mặn còn là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài thuỷ hải sản và cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú với 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá, vạng, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng… Ngoài ra, khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Châu thổ sông Hồng còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái; là điểm đến của nhiều đoàn nghiên cứu, tham quan học tập ở trong nước và quốc tế.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH