Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, tỉnh Kiên Giang (Khu DTSQ Kiên Giang)

Vườn quốc gia Phú Quốc (thuộc khu DTSQ Kiên Giang) – Tác giả Tăng A Pẩu

Khu DTSQ Kiên Giang được công nhận ngày 27/10/2006, tổng diện tích: 1.188.105 ha với 36.935 ha vùng lõi, 172.578 ha vùng đệm và 978.591 ha vùng chuyển tiếp. Khu DTSQ Kiên Giang bao gồm: Khu vực U Minh Thượng, diện tích 148.758 ha; Khu vực Phú Quốc, diện tích 304.933 ha; Khu vực Kiên Lương- Kiên Hải- Hà Tiên, diện tích 734.415 ha.

Vườn quốc gia (VQG U Minh Thượng) là khu vực rừng đầm lầy trên than bùn còn sót lại của Việt Nam. VQG Phú Quốc bao gồm những rừng cây họ Dầu còn sót lại, rừng tram và rừng ngập mặn, các thảm cỏ biển và rạn san hô quan trọng. Kiên Giang có 200km bờ biển với các rừng ngập mặn phong phú. Vành đai rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của mực nước dâng do biến đổi khí hậu.

Khu DTSQ có 6 hệ sinh thái chính và 22 môi trường sống khác nhau, với giá trị đa dạng sinh cao gồm 1500 loài thực vật có mạch, 77 loài thú, 222 loài chim, 107 loài bò sát và lưỡng cư. Với 700 ha san hô gồm 87 loài và 12.000 ha thảm cỏ biển, trong đó có 10 loài cỏ là thức ăn của các loài vích và bò biển quý hiếm bị đe dọa.

Thực vật ở Vườn quốc gia Phú Quốc – Tác giả Tăng A Pẩu

Khu DTSQTG Kiên Giang không chỉ đa dạng về sinh cảnh, địa hình mà di sản văn hóa cũng rất phong phú, đa dạng với 43 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hàng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra 389 lễ hội với 91 lễ hội dân gian, 235 lễ hội tôn giáo, 62 lễ hội lịch sử cách mạng và 01 lễ hội khác của cả người Kinh, người Khmer và người Hoa. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang cũng đã rất chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của địa phương. Đặt biệt, khi du khách đến thăm làng nghề đan bàng tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, với nguồn nguyên liệu cỏ bàng phong phú để tạo ra các sản phẩm như: đệm, túi xách, đồ gia dụng,… Đến nay, các sản phẩm làm từ cỏ bàng đã xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hồng Kông, Canada, Mỹ, Italia, Úc, Thụy Sỹ, Chilê, Đức và Pháp. Đây là khu dự án Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ của tỉnh Kiên Giang, được Tổ chức Hội sếu Quốc tế hỗ trợ với mục tiêu Bảo tồn đồng cỏ bàng một cách có hiệu quả và bền vững. Nơi đây đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến với dự án kinh phí đầu tư ít, nhưng lại kết hợp được vừa bảo tồn vừa phát triển, đồng thời gìn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của người dân địa phương, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer, bên cạnh đó có nhiều đoàn khách gồm các nhà khoa học, các doanh nghiệp có quan tâm đến môi trường và sinh viên của nhiều trường đại học trong nước và quốc tế đã đến Phú Mỹ để xem sếu đầu đỏ và tham quan làng nghề truyền thống của người Khmer. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi cho các chương trình phát triển du lịch và tiếp cận với nhà đầu tư của tỉnh Kiên Giang nói riêng và của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH