Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng (Khu DTSQ Cát Bà)

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng) – Tác giả Viethavvh

Khu DTSQ Cát Bà được công nhận ngày 02/12/2004, diện tích 26.241 ha (17.041 ha phần đảo, 9.200ha phần biển), nằm trên diện tích của VQG Cát Bà, 06 xã và Thị trấn Cát Bà; bao gồm hầu hết 366 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ của quần đảo Cát Bà, thuộc TP Hải Phòng, Việt Nam.

Đến nay Khu DTSQ Cát Bà đã ghi nhận 4.151 loài động vật và thực vật, bao gồm: 2.416 loài trên cạn, 14 loài nước ngọt, 1.684 loài dưới biển, 37 loài thực vật ngập mặn (trong đó, 63 loài thú, 214 loài chim, 82 loài bò sát và lưỡng cư, Thân mềm trên cạn: 150, Cá nước ngọt: 11, Cua nước ngọt: 3, Côn trùng: 274, Thực vật bậc cao: 1589, Nấm: 44, Cá biển: 196, Rùa biển: 4, San hô: 193, Động vật đáy: 658, Động vật phù du: 131, Thực vật phù du: 400, Rong biển: 102, Thực vật ngập mặn: 37)

Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học đang tiếp diễn trong quá trình tiến hoá và phát triển của các hệ sinh thái biển và hải đảo với sự đa dạng cao của các quần xã động vật, thực vật trên đảo và dưới biển. Trên quần đảo Cát Bà đã hình thành 7 hệ sinh thái nhiệt đới cận chí tuyến điển hình.

Giá trị văn hóa truyền thông: Cát Bà là vùng giàu có về khảo cổ học, một ‘cái nôi’ hình thành nên nền văn minh và văn hóa biển tiền sử Việt Nam. Trên toàn đảo đã phát hiện 77 di chỉ khảo cổ học với các hiện vật, tầng văn hóa được khai quật khẳng định con người đã xuất hiện liên tục tại đảo Cát Bà từ cách đây trên 30 vạn năm khi đảo Cát Bà còn gắn liền với lục địa (di tích cổ sinh hóa thạch tại Hang Đá Trắng / Động Hoa Cương ở xã Gia Luận), qua giai đoạn Hậu kỳ Đá cũ – sơ kỳ Đá mới (hang Áng Mả: C14 25.510±220 TCN, và Mái đá Ông Bảy: C14 16.630±120 TCN). Văn hóa Cái Bèo hình thành trong khoảng 7.000-5.000 năm TCN, trong giai đoạn biển tiến, đảo Cát Bà tách khỏi lục địa. Ở Cát Bà hiện nay còn lưu giữ được nhiều công trình độc đáo như đền thờ “Các Bà”, đền thờ “Các Ông” gắn liền với truyền thuyết “Bảy ngày ba bão”; tên gọi các đảo: đảo “Các Bà”, đảo “Các Ông” gắn liền với truyền thuyết về chống giặc ngoại xâm phương bắc của dân tộc ta thời kỳ đầu dựng nước. Ngoài ra còn có di tích công trình thành cổ thời nhà Mạc ở xã Xuân Đám. Các lễ hội còn lưu lại đến ngày nay như hội bơi chải, hội đua thuyền rồng, đua thuyền thúng, lễ thuỷ thần, lễ hội nghề cá … là những tài nguyên du lịch nhân văn hết sức hấp dẫn khách du lịch. Nhân dân vùng Cát Bà theo phong tục sống quần cư làng xã Việt Nam với tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, sinh hoạt, cùng chia sẻ ngọt bùi, giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn. Kiến trúc xây dựng nhà ở và các công trình công cộng theo phong cách Á Đông vùng ven biển. Cát Bà còn có nghệ thuật ẩm thực hải sản tương đối đặc sắc độc đáo và bổ dưỡng.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH