Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh (Khu DTSQ Cần Giờ)

Rừng Sác (thuộc Khu DTSQ Cần Giờ) – Ảnh trên trang https://nhandan.com.vn/

Khu DTSQ Cần Giờ được công nhận ngày 21/01/2000 với tổng diện tích hơn 75.000 ha, trong đó: vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha, và vùng chuyển tiếp 29.880 ha. Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thuỷ sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. UNESCO đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây được công nhận là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam.

Đây là cánh rừng ngập mặn được khôi phục sau khi bị chất độc hoá học huỷ diệt gần như toàn bộ trong thời gian chiến tranh đẹp nhất Đông Nam Á (UNESCO/MAB, 2000). Từ những năm 1929, khu vực này đã được đặt tên là khu rừng cấm Quảng Xuyên – Cần Giờ với những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh và động vật hoang dã nổi tiếng với các loài đặc trưng như Đước đôi (Rhizophora apiculata), Bần đắng (Sonneratia alba), Mắm trắng (Avicennia alba), Đưng (R. mucronata), Vẹt (Bruguiera spp.), Xu (Xylocarpus spp), Cóc (Lumnitzera spp.), Chà là (Phoenix paludosa). Giá (Excoecaria agallocha) v.v.. Chất độc hoá học đã rải xuống nhiều lần trong suốt gần 10 năm (1964-1972) làm cho hơn 80% rừng ngập mặn có nhiều cây cổ thụ bị chết, những gốc cây to lớn còn nằm lại trong bùn đất cho tới ngày nay. Khu DTSQ Cần Giờ là mô hình phát triển bền vững dựa trên hiệu quả bảo tồn rừng ngập mặn được gọi là “lá phổi xanh của thành phố” với chức năng nơi sinh đẻ và nuôi dưỡng các loài thủy hải sản, điều hoà không khí, hấp thu CO2, hấp thu kim loại nặng trong nước và đặc biệt là giảm thiểu tác động của nước biển dâng và sóng thần. Công trình khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 đã được vinh dự phong tặng Giải thưởng Khoa học và công nghệ Hồ Chí Minh.

Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH