Khu Ramsar Côn Đảo, nằm trên quần đảo Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được công nhận là khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam vào năm 2014. Đây là một trong những khu bảo tồn đất ngập nước biển quan trọng nhất của quốc gia, nổi tiếng với hệ sinh thái độc đáo và phong phú.
Khu Ramsar Côn Đảo bao (Vườn quốc gia Côn Đảo) nằm trên địa bàn huyện Côn Đảo có diện tích gần 20.000 ha, trong đó diện tích hợp phần bảo tồn rừng gần 6.000 ha, diện tích hợp phần bảo tồn biển gần 14.000 ha, được bao quanh bởi hệ thống rạn san hô, rừng ngập mặn và các khu vực bờ biển… Hệ sinh thái đảo độc đáo này còn là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa như bò biển (dugong), rùa biển, và nhiều loài cá, san hô, và động vật khác. Rừng ngập mặn có khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, dọc bờ biển phía tây Hòn Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, phía Bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Trong đó, rạn san hô tại Côn Đảo được xem là một trong những hệ thống đa dạng sinh học nhất khu vực Biển Đông, với hơn 300 loài san hô có mặt, Ngoài ra, VQG còn có vùng đệm biển bao quanh các phân khu là 20.500 ha, được bao phủ bởi rừng ngập mặn và các bãi biển hoang sơ, nơi sinh sản quan trọng của nhiều loài rùa biển. Có thể nói nơi đây đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì đa dạng sinh học quan trọng tại Việt Nam và của thế giới, là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư của nhiều loài sinh vật biển.
Các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới và là sinh cảnh của nhiều loài động, thực vật đặc hữu của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Theo Ban Quản lý VQG Côn Đảo, hiện VQG Côn Đảo đã ghi nhận trên 1.000 loài thực vật có mạch, 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo. Vườn cũng đã ghi nhận được 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái. Mặc dù số lượng loài không cao nhưng mật độ cá thể lại rất cao, một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như Sóc đen Côn Sơn. Riêng khu hệ chim Côn Đảo chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhiều nhà khoa học đã khẳng định, có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như loài bồ câu nicoba, chim nhiệt đới.
Khu Ramsar Côn Đảo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường biển. Rừng ngập mặn tại đây giúp hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu, và bảo vệ bãi biển khỏi xói mòn. Các rạn san hô cung cấp nơi ở và sinh sản cho nhiều loài sinh vật biển, đồng thời đem lại nguồn lợi kinh tế quan trọng từ nghề cá và du lịch. Khu vực này còn có vai trò là một “pháo đài sinh học” giúp bảo vệ các loài nguy cơ tuyệt chủng. Các chương trình bảo tồn rùa biển đã giúp tăng số lượng các loài rùa xanh, rùa đội, và rùa da đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Trong nỗ lực bảo vệ khu Ramsar Côn Đảo, chính quyền và các tổ chức phi chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực để. Các hoạt động như trồng rừng ngập mặn, khôi phục rạn san hô, và giáo dục môi trường đã đem lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, khu vực còn được giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các hoạt động khai thác tài nguyên bất hợp pháp và bảo vệ sự nguyên vẹn của môi trường. Các dự án nghiên cứu khoa học về đa dạng sinh học được triển khai để cung cấp dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn.
VQG Côn Đảo là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm. Tại đây, đã triển khai các dự án về công tác bảo tồn các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoanh nuôi những loài hải sản quý hiếm. Đặc biệt, khu Ramsar Côn Đảo là điểm đến du lịch sinh thái hàng đầu tại Việt Nam. Du khách có thể tham gia các chuyến lạn biển, khám phá rạn san hô, và chiêm ngưỡng hệ sinh thái biển độc đáo. Các bãi biển hoang sơ như bãi Đầm Trầu, bãi Suối Nóng, là những điểm dỡn chân lý tưởng. Hoạt động du lịch tại đây được phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo bảo tồn môi trường và duy trì hệ sinh thái. Các chương trình giáo dục môi trường và giao lưu văn hóa với cư dân địa phương đem lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách.
Tuy vậy, dù đã đạt được nhiều thành tựu, khu Ramsar Côn Đảo vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và khai thác tài nguyên bất hợp pháp là những nguy cơ lớn đặt ra. Trong tương lai, việc bảo tồn khu Ramsar Côn Đảo cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức quốc tế, và cộng đồng địa phương. Các chương trình nghiên cứu, giáo dục môi trường, và phát triển du lịch sinh thái bền vững sẽ là những hướng đi quan trọng. Khu Ramsar Côn Đảo là một trong những báu vật sinh thái quý giá của Việt Nam, góp phần quan trọng vào bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Sự bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực này không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu./.
NBCA