Khuyến nghị một số giải pháp quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Phú Mỹ

Khu Bảo tồn (KBT) loài – sinh cảnh Phú Mỹ nằm tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, được thành lập theo Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 1/3/2016 của UBND tỉnh Kiên Giang. Với tổng diện tích hơn 2.700 ha, khu bảo tồn bao gồm vùng lõi rộng 1.066 ha và vùng đệm 1.644 ha. Đây là một trong những vùng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc trưng bởi đất nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ và ngập nước theo mùa. Hệ sinh thái của khu bảo tồn chủ yếu là đồng cỏ bàng, một loại cỏ có vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường sống cho nhiều loài động vật hoang dã. Đặc biệt, đây là nơi cư trú và kiếm ăn của loài sếu đầu đỏ (Grus antigone), một loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vào tháng 3/2024, đã ghi nhận sự trở lại của 9 cá thể sếu đầu đỏ tại khu vực này, cho thấy tầm quan trọng của khu bảo tồn trong việc bảo vệ loài chim này. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, đồng cỏ bàng tại Phú Mỹ còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, thông qua việc khai thác cỏ bàng để sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, khu bảo tồn cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ cháy rừng và sự xâm lấn của con người. Hiện KBT đang đối mặt với tình trạng lấn chiếm đất đai với khoảng 100 hộ dân đã lấn chiếm khoảng 60 ha trong vùng lõi cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Việc thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Do đó, việc bảo vệ và quản lý hiệu quả khu bảo tồn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương, nhằm duy trì và phát triển bền vững hệ sinh thái độc đáo này. Một số khuyến nghị, đề xuất đối Ban quản lý (BQL) KBT và các Sở, ngành tỉnh Kiên Giang để giải quyết các hạn chế còn tồn đọng.

Đối với BQL KBT Phú Mỹ, cần tổ chức triển khai đầy đủ các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thực hiện xây dựng báo cáo đa dạng sinh học của Khu bảo tồn (định kỳ 3 năm/lần) theo quy định tại Điều 33 Luật Đa dạng sinh học; Tổ chức triển khai đầy đủ các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP và Thông tư số 07/2020/TT-BTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP.

Đối với UBND tỉnh Kiên Giang, cần xem xét, chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, trong đó chú trọng: (i) Đẩy mạnh tổ chức bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước trên địa bàn tỉnh; (ii) Tổ chức xây dựng và thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; (iii) Tăng cường triển khai, thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh; (iv) Tăng cường tuyên truyền, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư.

Đặc biệt, cần bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP và Điều 152, Điều 153 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP./.

NBCA