KBT (KBT) loài – sinh cảnh Vườn Chim nằm trên địa bàn Khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với diện tích 125,8 ha (trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 62 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 56,7 ha; phân khu hành chính – dịch vụ: 7,1 ha); được thành lập với mục đích bảo tồn sinh cảnh sống của các loài chim. Nơi đây nổi bật với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên đa dạng và phong phú, bên cạnh vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, KBT loài – sinh cảnh Ấp Vườn Chim còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thiên nhiên và các nhà nghiên cứu sinh học.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn tại khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những vấn đề nổi bật là nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt trong mùa khô. Ngoài ra, việc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái cũng đặt ra những thách thức trong việc duy trì cân bằng giữa bảo vệ môi trường và khai thác du lịch bền vững. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương. Việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, là những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững của KBT loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương trong việc thực hiện các biện pháp bảo tồn, nâng cao nhận thức và tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học tại KBT loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu. Cụ thể:
Đối với BQL KBT, cần tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; sớm triển khai, chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan, tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu.
Đối với UBND tỉnh Bạc Liêu, cần xem xét, bố trí nguồn lực, tăng cường năng lực của KBT để bảo đảm thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học; bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật; Bố trí kinh phí cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại KBT phù hợp với quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Điều 27, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Ngoài ra, sự quan tâm chỉ đạo các Sở, ban ngành cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để quản lý bảo tồn tổng thể, hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật tại KBT loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất bố trí kinh phí xử lý ô nhiễm nguồn nước và khắc phục tình trạng bồi lắng tại KBT; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Hướng dẫn BQL: Đề xuất các nhiệm vụ, hoạt động từ nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn ngân sách khác để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; quan trắc, giám sát, lập báo cáo; bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước; bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh Bạc Liêu: Tăng cường phối hợp trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học tại KBT đảm bảo đúng quy định pháp luật về bảo tồn, phát triển bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Tham mưu, triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, lực lượng bảo vệ rừng nhằm thu hút được nguồn nhân sự tham gia công tác bảo tồn, phát triển bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại KBT.
Các Sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, cấp tỉnh về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phòng chống săn, bắt, tàng trữ, sử dụng trái phép các loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó ưu tiên các loài chim hoang dã, di cư. Tăng cường biện pháp kiểm soát các mối đe dọa, hành vi xâm hại tới hệ sinh thái đất ngập nước, quần thể các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại KBT; tổ chức triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
NBCA