Ngày 13/6/2024, đoàn công tác của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cùng đại diện các Sở, ngành của tỉnh Bạc Liêu đã làm việc với Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Bình Lộc, Giám đốc cùng các lãnh đạo Ban quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Ban quản lý đã giới thiệu tổng quan về Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu. Khu bảo tồn được công nhận tại Quyết định số 194/1986/QĐ-CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng về việc công nhận khu bảo tồn thiên nhiên Sân chim Bạc Liêu; Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Khu bảo tồn có mục đích bảo tồn bảo tồn sinh cảnh sống của các loài chim, nằm trên địa bàn Khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với diện tích 125,8 ha (trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 62 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 56,7 ha; phân khu hành chính – dịch vụ: 7,1 ha).
Hiện trạng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đặc trưng của Khu bảo tồn gồm có:
– Hệ thực vật rừng: Có 184 loài, là rừng hỗn giao nhiều loài cây rừng ngập mặn đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực Nam bộ như: Chà là, Cóc, Tra, Giá và các loài cây bụi, dây leo. Sinh cảnh đặc trưng là Rừng gỗ lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá.
– Hệ động vật: Lớp thú có 13 loài, trong đó có các loài có tầm quan trọng toàn cầu như Rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) cùng 01 loài được ghi nhận qua phỏng vấn là Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana). Có 102 loài chim (trong đó có 10 loài nguy cấp, quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam như: Đuôi cụt bụng đỏ, Cò lạo Ấn Độ, Cò Quăm đầu đen, Cổ rắn, Bồ nông chân xám, Cốc đế, Quắm Đen, Chim khách đuôi xẻ, Sả hung, Cò nhạn). Lớp Bò sát có 19 loài, trong đó có nhiều loài có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế như Tắc kè (Gekko gecko), Rắn hổ mang (Naja kouthia), Trăn đất (Python molurus), Rắn sọc dưa (Coelognathus radiata), Rắn ráo (Ptyas korros), Rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga). Lớp cá có 46 loài, trong đó cá Cháo lớn (Megalops cyprinoides), cá Măng sữa (Chanos chanos), cá Hường sọc xiên (Datnioides polota), cá Mang rổ (Toxotes charareus) là những loài quan trọng trong hoạt động bảo tồn. Đã ghi nhận 23 loài nguy cấp, quý hiếm tại Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu.
Sau khi nghe Ban Quản lý Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu báo cáo tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đoàn công tác đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các nội dung liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Qua đó, ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Ban quản lý đã triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao như: ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ và phát triển; thực hiện một số hoạt động trồng, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và bảo vệ các loài động vật, thực vật bản địa; công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thực được chú trọng; kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật và các hành vi xâm hại đến các khu bảo tồn.…
Kết luận buổi làm việc, đoàn công tác đã đưa ra một số kiến nghị đối với ban quản lý khu bảo tồn như sau:
(i) Nghiên cứu, thực hiện các quy định pháp luật về sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP); Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030).
(ii) Sớm triển khai, chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền khắc phục những tồn tại, khó khăn./.
NBCA