Làm cách nào để nuôi sống 9 tỷ người trong năm 2050?

Đến năm 2050, trái đất sẽ có hơn 9 tỷ người sinh sống. Vấn đề được đặt ra là tìm đâu ra khối lượng lương thực khổng lồ để nuôi sống nhân loại?

Trong bài “Nhu cầu lương thực gia tăng cần được thỏa mãn bằng quĩ đất canh tác hiện có”, tác giả Bill Bainbridge viết các nhà khoa học và hoạch định chính sách chẳng những phải đối mặt với thách thức tăng gấp đôi sản lượng lương thực trong mấy chục năm, mà còn nghĩ cách giải quyết thách thức này mà không cần phá rừng, biến đầm lầy hay đồng cỏ thành đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó còn là vấn đề làm cách nào để bảo vệ đất nông nghiệp không bị biến thành đất ở và bị xâm lấn bởi quá trình động đô thị hóa.Phát thanh viên Bill Bainbridge của đài ABC viện dẫn trường hợp ở Việt Nam, nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, rất nhiều đất trồng lúa đã bị biến thành sân golf và các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Không lấn đất tự nhiên, lấy đất nông nghiệp

Giáo sư Kenneth Cassman của  Đại học Nebraska (Melbourne, Australia) cho rằng lượng lương thực bổ sung cần được sản xuất từ đất nông nghiệp hiện có để bảo vệ những hệ sinh thái tự nhiên còn sót lại như rừng nhiệt đới, đầm lầy…

Việc bảo vệ này cần thiết do hai nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất, các hệ sinh thái tự nhiên này là “pháo đài” của đa dạng sinh học. Những động vật quý hiếm như hổ Sumantra, đười ươi Borneo và Sumantra, voi châu Phi… cần có những khu vực rộng lớn để sinh sống. Bởi vậy, chìa khóa giải quyết vấn đề lương thực cho năm 2050 là duy trì sản xuất nông nghiệp ngay trên chính diện tích đất trồng trọt hiện nay.

Nguyên nhân thứ hai là những khu vực tự nhiên này hấp thụ nhiều khí CO2. Trong rừng nhiệt đới, một khối lượng lớn khí CO2 được lưu giữ trong lớp sinh khối trên mặt đất cũng như lớp hữu cơ trong đất. Khi biến thành đất nông nghiệp, lượng CO2 sẽ bay vào khí quyển, làm tăng thêm gánh nặng của hiện tượng  thải khí gây hiệu nhà kính hiện nay.

Theo giáo sư Cassman, “lấn đất là hiện tượng toàn cầu”. Hiện tượng biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư hay phục vụ cho giải trí, du lịch không chỉ có ở Việt Nam mà còn xảy ra ở khắp nơi: từ các thành phố lớn ở Australia như Melbourne, Brisbane, Sydney đến Chicago, Los Angeles và New York ở Mỹ.

Vì sao nhiều thành phố lại nằm ở ngay những nơi có  đất đai màu mỡ?  Nguyên nhân là do khi các thành phố này được thành lập hàng trăm, hàng nghìn năm trước, người ta không thể vận chuyển lương thực đi xa nên các đô thị phải nằm ở các khu vực có đất đai màu mỡ. Việc mở rộng đô thị diễn ra trên những vùng đất trồng trọt màu mỡ nhất…

Giàu có, thay đổi khẩu vị

Một trong những vấn đề nan giải là khi Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng giàu lên, chế độ ăn của người dân cũng thay đổi. Họ chuyển đổi từ khẩu phần ăn rau sang ăn thịt, một loại thực phẩm cần rất nhiều hạt ngũ cốc và nước trong quá trình sản xuất. Liệu Trái Đất có đủ sức đáp ứng nhu cầu cho dân chúng Ấn Độ và Trung Quốc, khi họ trở nên giàu có và ăn nhiều thịt hơn?

Giáo sư Cassman cho rằng không nên nhìn nhận vấn đề theo hướng này. Đó là điều không thể tránh được. Khi người dân giàu lên, mức tiêu thụ thức ăn sẽ tăng vọt và đó là bản chất tự nhiên của con người. Giáo sư Cassman nói: “Cần biết rằng bản chất con người vẫn không thay đổi. Ở những nước nước thu nhập thấp đang trở nên giàu có, người dân có xu hướng tiêu thụ mạnh các loại lương thực, thực phẩm khác với những thức ăn truyền thống. Như vậy, kế hoạch toàn cầu cần phải tính đến khả năng cung cấp thức ăn cho số dân trên 9 tỷ người có cuộc sống ngày càng sung túc hơn”.

Vì sao người Mỹ dùng ngô để sản xuất ethanol?

Vậy ảnh hưởng của nhiên liệu sinh học thì sao? Việc sản xuất năng lượng từ thực vật như một cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã trở nên khá phổ biến. Nhưng mục đích cơ bản của việc trồng lương thực là để đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người, nhất là khi thế giới có quá nhiều miệng ăn.

Giáo sư Cassman cho hay ông biết khá rõ về nước Mỹ và chính sách sử dụng ngô làm ethanol sinh học trong quá khứ. Những chính sách này được thực hiện hồi những năm 1980, khi có nhiều nông dân bị phá sản vì lượng ngô sản xuất quá lớn và giá bán lại quá rẻ. Giá ngô và đậu nành lúc đó thấp đến nỗi chính phủ Mỹ phải ưu tiên tìm cách tăng giá trị cho các loại cây trồng này để cứu khu vực nông thôn Mỹ.

Giáo sư Cassman cho rằng mọi quyết định chính phủ  “ủng hộ việc biến ngô thành ethanol đều phụ thuộc vào giá dầu bởi vì giá dầu chính là động lực cho việc… biến ngô thành nhiên liệu sinh học”.

Vai trò quan trọng của ứng dụng tiến bộ khoa học

Cách đây không lâu, một nhà nghiên cứu đã xác định được loại gen gây hiện tượng bạc bụng ở gạo. Theo nhà nghiên cứu này, có thể tăng giá trị lúa gạo lên khoảng 25%, nếu có thể loại bỏ gen xấu này.

Liệu có thể tin ứng dụng những tiến bộ khoa học mang tính đột phá để giúp có thêm lương thực trên diện tích đất nông nghiệp hiện nay?

Giáo sư Cassman cho rằng đây là một ví dụ điển hình. Một, hai hoặc ba gen ảnh hưởng tới tính chất của một loại cây trồng. Hiện tượng bạc bụng ở gạo hoặc các bệnh của cây trồng là những ví dụ cụ thể. Các nhà khoa học có thể giảm bớt mức độ nghiêm trọng của nhiều căn bệnh bằng việc biến đổi một gen, tăng cường khả năng chịu đựng của cây trồng.

Tuy nhiên, vẫn phải đề cập đến những điều kiện cần có khác như lượng nước tưới nhiều hay ít, cây lương thực được trồng trọt trên vùng đất tốt hay xấu… Sản lượng lương thực chỉ đạt được mức trần trong điều kiện tối ưu.

Vậy con người sẽ sản xuất lương thực với những giống cây biến đổi gen? Một số người rất sợ ý tưởng này, nhưng ông Cassman cho rằng đây là một công cụ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ông nói: “Biến đổi gen là lấy một gen từ một cá thể và cấy vào cá thể khác. Đây không phải là loại thuốc chữa bách bệnh nhưng có tác dụng nhất định. Các nhà khoa học cần kiểm soát, thử nghiệm độ an toàn môi trường… Tuy nhiên, đây chắc chắn là một công cụ không thể thiếu trong tương lai”.Theo Tamnhin.net