Tại Hội nghị phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả cây đậu tương tại các tỉnh phía Bắc diễn ra chiều 17/8 tại Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Bùi Bá Bổng cho rằng, cần có một cuộc cách mạng thay đổi vị thế của cây đậu tương trong cơ cấu cây trồng của nước ta.
Đầu ra vô biên
Thu hút hàng trăm nhà chuyên môn, nhà khoa học và doanh nghiệp, chưa khi nào hội nghị về cây đậu tương lại có sự hội tụ đông đủ của bốn nhà đến như vậy. Điều đó cho thấy thị trường trong nước hiện nay rất quan tâm tới loại cây công nghiệp ngắn ngày này. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích đậu tương của nước ta năm 1999 là 122 nghìn ha, năm 2005 đạt 204 nghìn ha, sau đó giảm dần và năm 2010 là gần 200 nghìn ha. Nguyên nhân khiến diện tích đậu tương bị giảm được nhận định do quá trình công nghiệp hóa thu hẹp đất nông nghiệp, mặt khác thu nhập từ cây đậu tương thấp nên người dân không mặn mà.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Quang Minh, Trần Thanh Quang chia sẻ, đơn vị vừa khai trương nhà máy ép dầu với công suất 365.000 tấn đậu tương/năm tại thị trấn Lương Bằng (Khoái Châu – Hưng Yên). Năm 2012, Quang Minh dự kiến mở một nhà máy công suất lớn gấp ba lần ở đây nên công suất của riêng nhà máy này đã hơn 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng đậu tương của nước ta hiện nay chỉ xấp xỉ 200.000 tấn/năm, mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu của Quang Minh chứ chưa nói gì đến các nhà máy khác. Vì vậy, ông Quang khuyến khích các địa phương và bà con nhân dân tham gia trồng cây đậu tương với số lượng lớn, phía nhà máy sẵn sàng hỗ trợ công nghệ, khoa học và lo đầu ra đảm bảo bà con có lãi.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc đề nghị các địa phương cần phát động phong trào “Nông dân nhỏ – cánh đồng lớn” nhằm hình thành lên những cánh đồng mẫu. Mỗi địa phương nên hình thành nên từ 2 – 5 cánh đồng mẫu để khảo nghiệm đánh giá cụ thể xem tính ưu việt và hiệu quả của việc SX tập trung như thế nào để từ đó có những điều chỉnh kịp thời. |
Về nhu cầu khô đậu tương cho thị trường chế biến TĂCN, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TĂCN thống kê, năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 2,76 triệu tấn khô đậu tương, tương đương 3,7 triệu tấn đậu tương, giá trị kinh tế khoảng gần 1,7 đô la Mỹ. Dự báo, năm 2011 nhu cầu đậu tương của nước ta khoảng 3,1 triệu tấn, năm 2015 là 4,2 triệu tấn và 2020 là 5 triệu tấn. Ông Lê Bá Lịch khuyến cáo, ngay từ bây giờ, các địa phương nhanh nhạy nên bắt tay vào quy hoạch và hình thành lên các vùng chuyên canh cây đậu tương nhằm cung ứng cho các nhà máy sau này. “Hiện nay đậu tương trồng trong nước chỉ đủ cung cấp cho làm đậu phụ và sữa đậu nành, trong khi nhu cầu của thị trường là khổng lồ nên đầu ra của loại cây này trong tương lai luôn rộng mở thênh thang” – ông Lịch nói.
Mổ xẻ cây đậu tương
Có một thực tế vô lí là hầu hết các tỉnh tại miền Bắc đều báo cáo diện tích cây đậu tương tại địa phương giảm dần theo từng năm. Và một trong nhưng nguyên nhân chính là do năng suất cây đậu tương trên một diện tích thấp hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác khiến người dân không muốn trồng loại cây này. Mổ xẻ vấn đề, TGĐ Tập đoàn Quang Minh chỉ ra bất cập về giá thu mua đậu tương hiện nay. Trong khi giá đậu tương phía Quang Minh nhập khẩu từ Mỹ, Achentina, Ấn Độ… chỉ có 7.000 đồng/kg cộng thuế xuất khẩu khi về đến VN tầm 12.000 – 13.000 đồng/kg. Giá thu mua đậu tương trong nước hiện nay lên tới 15.000 đồng/kg mà người dân vẫn kêu không có lãi, vì vậy khâu sản xuất chắc chắn là có vấn đề. Theo ông Quang, hiện chi phí cho khâu thu hoạch, chăm sóc, vận chuyển ở nước ta quá tốn kém, lãng phí, lạc hậu là nguyên nhân khiến giá thành đậu tương bị đẩy lên cao. Do đó, ông Quang đề xuất cần hình thành nên những vùng SX lớn, đưa cơ giới hóa vào nhằm hạ giá thành sản phẩm thì mới mong có thể cạnh tranh với đậu tương nước ngoài.
“Tại sao nước ngoài họ bán đậu tương giá có 7.000 đồng đã có lãi trong khi chúng ta bán 15.000 đồng người dân vẫn kêu lỗ. Chẳng nhẽ một đất nước nông nghiệp cứ phải đi nhập khẩu nông sản mãi hay sao. Theo tôi, do SX manh mún lẻ tẻ vài sao khiến chi phí giá thành lên cao nên người dân không có lãi, chứ diện tích canh tác hàng chục, hàng trăm ha tôi đảm bảo có lãi là cái chắc. Do đó, SX lớn tập trung, áp dụng cơ giới và KHCN là yếu tố quyết định đến sự thành công của cây đậu tương trong nay mai”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng. |
Còn theo GS Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng VN, nguyên nhân khiến cây đậu tương lẹt đẹt không phát triển được mấy chục năm qua do chúng ta hiện nay đang thiếu giống bởi quanh đi quẩn lại chỉ có vài mẫu giống do Viên Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ cung cấp. Rất nhiều nơi do thiếu giống nên người dân dùng cả giống đậu tương của vụ hè đem trồng cho vụ đông nên năng suất, chất lượng không đảm bảo. Do đó, ông Long cho rằng, nhất thiết phải có một bộ giống đặc thù cho từng mùa vụ. Bên cạnh đó, do lợi nhuận thấp và rủi ro cao nên hầu như hiện nay không có hệ thống phân phối giống đậu tương phân cấp tại các địa phương khiến giống bị trà trộn, thoái hóa. Đặc thù của cây đậu tương rất dễ trồng nhưng cũng dễ bị chết. Nếu chất lượng giống không đảm bảo cộng cách chăm sóc của người dân không đúng lập tức thất bại.
Trước thông tin đa chiều đó, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, cần phải có một cuộc cách mạng dành cho cây đậu tương. Đậu tương hiện tập trung lớn ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Những địa phương nào có khả năng mở rộng diện tích nên mở rộng tối đa theo nhiều hướng, đặc biệt là khu vực miền núi, tỉnh nào không mở rộng được diện tích chú trọng nâng cao năng suất và hiệu quả, hình thành nên những vùng chuyên canh lớn để giảm giá thành. Thứ trưởng chỉ đạo Viện Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ nên sớm đưa ra được bộ giống cho cây đậu tương, đặc biệt cần nghiên cứu thử nghiệm đậu tương biến đổi gen, tiếp đó phải xây dựng một quy trình chuẩn để thâm canh, xen canh, luân canh cây đậu tương cho mọi người dân, mọi địa phương đều nắm rõ để chủ động.
Theo nongnghiep.vn