Kỷ niệm Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An và các đối tác tổ chức Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) năm 2024.

Quang cảnh buổi lễ

Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) năm 2024 diễn ra từ ngày 07 đến ngày 09/11, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là dịp để ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc phát triển và quản lý các KDTSQ thế giới và là cơ hội để nhìn lại, đánh giá vai trò quan trọng của các KDTSQ trong việc góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững và ý nghĩa của KDTSQ trong bức tranh bảo tồn môi trường toàn cầu. Chuỗi sự kiện là nỗ lực để khẳng định vai trò và cam kết của Việt Nam đối với việc quản lý và phát triển bền vững các KDTSQ, góp phần tạo ra tác động dài hạn cho bảo tồn và phát triển cộng đồng.

Sáng ngày 08/11/2024, với sự chủ trì của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Nghệ An, Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển đã được tổ chức với sự tham gia của các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCO, chính quyền địa phương và đại diện các cộng đồng sinh sống trong các KDTSQ tại Việt Nam. Buổi lễ là dịp để chính phủ và người dân Việt Nam cùng đồng lòng thể hiện cam kết về phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên tại các KDTSQ và ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu khai mạc tại buổi lễ

Phát biểu khai mạc Lễ Mít tinh, thay mặt Bộ TN&MT, TS. Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết “Việt Nam đã có những nỗ lực và đóng góp quan trọng trong việc phát triển mạng lưới các KDTSQ thế giới và rất đáng tự hào khi Việt Nam đã được công nhận 11 KDTSQ thế giới với những khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng KDTSQ lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, trong đó KDTSQ Tây Nghệ An là KDTSQ thế giới trên cạn lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nơi chứa đựng các giá trị to lớn về khoa học, môi trường; đồng thời còn mang đậm bản sắc văn hóa, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển. Trong thời gian qua, chính sách và hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ quản lý các KDTSQ đã từng bước được thiết lập và hoàn thiện. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 14 KDTSQ, đồng thời đặt ra nhiệm vụ tăng cường hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ các KDTSQ. Tại các KDTSQ, đã có nhiều sáng kiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường được thực hiện và lan tỏa trong mạng lưới các KDTSQ và góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”.

Tại Lễ Mit tinh, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thay mặt Bộ TN&MT kêu gọi các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp triển khai các hoạt động “Tổ chức truyền thông, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các KDTSQ đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các KDTSQ tại địa phương, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của khu DTSQ; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các KDTSQ trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững; huy động và đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQ; tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới các KDTSQ thế giới tại Việt Nam”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, KDTSQ Miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, nằm trên địa bàn 9 huyện Miền Tây Nghệ An, với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, lớn nhất cả nước; dân số khoảng trên 01 triệu người (gồm 6 dân tộc anh em), với những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc; có trên 871.000 ha rừng, với 03 vùng lõi gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và 02 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt, phong phú về hệ sinh thái, bao gồm rừng mưa nhiệt đới, các loài động thực vật quý hiếm và nhiều loài đặc hữu. Đây không chỉ là kho báu của Nghệ An mà còn là di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam và thế giới. Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực không ngừng để quản lý, bảo vệ và phát triển KDTSQ này; triển khai nhiều chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế cho người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm của KDTSQ.

Toàn thể đại biểu tham dự Lễ Mít tinh

Sau buổi lễ đã diễn ra “Hội thảo quốc gia về quản lý, bảo tồn các KDTSQ thế giới”. Hội thảo với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn KDTSQ đã chia sẻ về các định hướng phát triển bền vững cho các KDTSQ trên thế giới, chia sẻ bài học kinh nghiệm thế giới cho Việt Nam, cập nhật các chính sách pháp luật của Việt Nam về quản lý KDTSQ và kế hoạch phát triển mạng lưới trong tương lai./.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển được coi là “nơi học tập để phát triển bền vững”, nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới phát triển rộng khắp trên các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngày 3/11 hàng năm đã được MAB-ICC/UNESCO thông qua là Ngày Quốc tế Khu Dự trữ sinh quyển.

Kể từ năm 2000 khi KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ là KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, hiện Việt Nam đã có 11 KDTSQ thế giới được công nhận. Các KDTSQ đang đóng giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân và ngôi nhà của các hệ động thực vật bản địa phong phú, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp với diễn biến khôn lường, các KDTSQ là một trong các yếu tố quan trọng giúp cân bằng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học nhờ vào các chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển.

NBCA