Lộ trình đưa cây trồng biến đổi gen ra sản xuất (1)

PV Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

 

Chậm so với quyết tâm ban đầu

Quá trình đưa cây trồng biến đổi gen ra thương mại ở Việt Nam được nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá là chậm so với quyết tâm ban đầu của chính ta?

Theo đúng lộ trình của Chính phủ đến năm 2011 cây trồng biến đổi gen đã ra thương mại. Nhưng ta làm rất cẩn trọng, từng bước xem xét từ hồ sơ, thiết kế, kế hoạch khảo nghiệm đến kiểm tra tiến độ, báo cáo kết quả… Ta không làm tắt vì bất cứ sức ép nào mà phải có cơ sở khoa học đầy đủ. Trong hội nghị tổng kết Bộ vừa rồi, Thủ tướng có nói VN đang sử dụng các sản phẩm chuyển gen mà sao không trồng được?

Việc chậm trễ này có lợi cho ai, có hại cho ai?

Bị hại chính là nông dân. Qua những lần khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen, nông dân đi tham quan, rất thích thú, nếu Nhà nước ủng hộ họ sẵn sàng trồng. Các tỉnh cũng hăng hái muốn làm thử cây trồng biến đổi gen bởi khai thác được những đặc tính chống chịu sâu bệnh, giữ được năng suất thì tốt quá.

Một số người bảo càng làm chậm thương mại hóa cây trồng biến đổi gen càng có lợi cho các Cty giống nội chuẩn bị vũ khí để chiến tranh “du kích” với Cty nước ngoài. Những sự kiện chuyển gen là công nghệ cao, là bản quyền, khi họ khai thác hết thời hạn bản quyền thì mới là miễn phí (những thứ miễn phí thường vô giá trị). Nếu không có bản quyền mà muốn sử dụng chắc chắn sẽ phải mua.

 Thời gian đưa một sự kiện chuyển gen vào một giống trung bình mất mười ba năm. Tôi rất khuyến khích chúng ta tạo ra được cây trồng biến đổi gen bởi khi ấy sẽ có cạnh tranh, giống như hồi VN tạo ra được ngô lai chẳng hạn. Khi ấy nông dân sẽ là người đánh giá cuối cùng.

Có những nước không SX được cây trồng biến đổi gen vẫn cho nhập về làm thức ăn như Nhật Bản và một số nước phát triển. Ta đang nhập rất nhiều ngô, đậu tương. Ngô là thứ cây tiềm năng của ta, đang rất cần. Nếu chúng ta không đẩy nhanh lộ trình cho cây ngô biến đổi gen vào, ta vẫn phải nhập. Gạo không thể thay thế được ngô để làm thức ăn được vì thành phần nó khác, không phù hợp làm thức ăn gia súc như ngô.

Thế giới đang có hơn 70 sự kiện chuyển gen, càng chậm càng không khai thác được những gen đời sống đang cần thiết. Chậm đưa cây trồng biến đổi gen sẽ kéo theo chậm những tiến bộ mới nhất vào tiếp. Chính quốc tế người ta lo an toàn sinh học hơn cả vì thời buổi hội nhập, một nước không an toàn thì nước khác đâu có an toàn?

Để khuyến khích những cây có đặc điểm tốt, đặc biệt là chống chịu các đối tượng dịch hại được đưa vào SX, ta nên thúc đẩy những văn bản thương mại hóa cây trồng biến đổi gen.

Mất thời gian, vô ích

Vừa rồi, các Cty giống nước ngoài xôn xao trước dự thảo quy định ngoài khảo nghiệm an toàn sinh học còn phải khảo nghiệm như một giống mới, rất mất thời gian. Ý ông ra sao?

Chúng ta đang sửa Quyết định 95 về công nhận giống, trong quá trình sửa ban soạn thảo có đề nghị lấy ý kiến bổ sung thêm mục cây trồng biến đổi gen, có đưa ra ý kiến loại cây trồng này cũng phải khảo nghiệm DUS, VCU như giống mới.

Theo một số ý kiến của chuyên gia, nếu chúng ta yêu cầu một giống đã được công nhận khi chuyển gen phải đăng ký lại từ đầu như một giống mới là không hợp lý. Hiện nay Cục Trồng trọt đang lấy ý kiến về vấn đề này và đưa ra các phương án là đối với các giống cây trồng biến đổi gen trên giống nền đã được công nhận có cần phải khảo nghiệm DUS không?

Thực ra, nó không phù hợp với Thông tư 69 về khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen và Nghị định 69 và Nghị định bổ sung 108 về quản lý an toàn sinh học GMO, mẫu vật và sản phẩm di truyền; về đa dạng sinh học, an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ môi trường. Trong các văn bản ấy nêu rõ chỉ cần đánh giá rủi ro, an toàn của gen chuyển là có thể đảm bảo cho phép những giống đã được đăng ký triển khai trên diện rộng.

Các loại cây trồng biến đổi gene được ca ngợi là mang nhiều tính trạng đáng mơ ước như năng suất cao, chống chịu tốt, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng và cứu sống hàng triệu trẻ em nghèo. 

Cơ sở khoa học của luận điểm ấy là khi đưa một gen mới vào, những tính trạng kiểm soát các đặc điểm nông học như năng suất, di truyền… không thay đổi mấy mà thay đổi đặc tính chống chịu sâu, chống chịu thuốc (tùy theo chức năng của gen chuyển).

Các nước cũng quy định các giống đang sử dụng, đang thương mại hóa tại quốc gia mình, khi chuyển gen mới vào chỉ cần đánh giá an toàn sinh học, không ảnh hưởng đến môi trường, đa dạng sinh học là cho phép.

Trong thời gian khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng, các cơ quan nghiên cứu cũng ghi nhận đo đếm đầy đủ. Nên chăng, nếu như chúng ta muốn quản lý chặt hơn thì quá trình đánh giá an toàn sinh học, đánh giá rủi có thể cùng đánh giá các đặc điểm nông học. Nếu có hiện tượng gì sai khác, báo ngay cho hội đồng khoa học đánh giá lại.

Cộng thêm các khảo nghiệm là mất chừng hai năm nữa, gần như một giống mới thế thì các Cty sẽ đăng ký luôn giống mới, còn cái gì họ chuyển bên trong chúng ta sẽ không kiểm soát. Do vậy thêm công đoạn này chỉ làm chậm mà không giải quyết được vấn đề gì, mọi thứ sẽ rối lên, mọi kế hoạch sẽ bị đảo lộn.

Con đường còn xa

Đường đi đến đích của cây trồng biến đổi gen là đưa ra thương mại, sản xuất có còn xa không?

Bộ NN-PTNT đã hoàn tất hồ sơ khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng với 6 sự kiện biến đổi gen. Thêm vào đó sự kiện MIR 162 (Syngenta) cũng đã được cho phép khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng (hiện không chỉ có những tổ hợp đơn gen mà đa gen được chuyển vào như MIR162).

 Nhìn chung Bộ NN – PTNT đã làm đầy đủ các đánh giá về an toàn sinh học, đánh giá rủi ro (khả năng trôi gen, nguy cơ tràn lan, xâm lấn các gen chuyển, ảnh hưởng sinh thái, môi trường…), lập hội đồng đánh giá chuyên cho từng sự kiện.

Cho đến thời điểm này, hồ sơ của 6 sự kiện chuyển gen, một số đã gửi lên cho Bộ Tài nguyên – Môi trường. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã có những thông tư, hướng dẫn về đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (cấp quốc gia).

Bộ này đã tổ chức họp hai lần bàn về những nguyên tắc, các nội dung cần nhấn mạnh đối với 6 sự kiện biến đổi gen. Cho đến nay các hồ sơ, đánh giá an toàn sinh học đã được gửi cho các tổ chuyên gia để sắp tới tổ chức họp. Tuy nhiên vướng ở chỗ chưa có thông tư liên bộ hướng dẫn về thu phí đánh giá hồ sơ.

Cây trồng biến đổi gen giúp cho giảm thiểu bệnh, hại khiến năng suất tăng lên chứ không phải bản chất của nó làm tăng năng suất. Trước đây nhiều người hiểu chuyển gen sẽ làm tăng năng suất nhưng tùy theo gen. Những gen đưa vào VN khảo nghiệm chủ yếu là để diệt sâu, đề kháng thuốc trừ cỏ mà thôi.

Một tin tốt, Thông tư số 02 mới ký về quy định trình tự thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 10/3 năm 2014.

Bộ NN-PTNT cũng đã gửi tờ trình Chính phủ về việc cho phép thử nghiệm trồng cây biến đổi gen trên diện rộng có kiểm soát. Diện rộng nghĩa là thành vùng lớn, khoảng 5-10 ha, có kiểm soát nghĩa là phải đánh giá rõ hơn về những mặt tốt, phải tổ chức hội nghị đầu bờ, cho công chúng tự đánh giá vì khi mắt thấy, tai nghe tính thuyết phục sẽ cao.

Có nghĩa vẫn là thử nghiệm thôi, chứ lộ trình đưa cây trồng biến đổi gen ra thương mại còn phải chờ đợi dài?

Cười.

Xin cảm ơn ông!

Theo NNVN