Một số tồn tại, hạn chế thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Khu Bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười

Khu Bảo tồn và du lịch sinh thái (KBT DLST) Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu sinh thái Đồng Tháp Mười được quy hoạch là khu dự trữ thiên nhiên thuộc loại hình đất ngập nước; tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố Danh mục các khu bảo tồn, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là khu bảo tồn đáp ứng tiêu chí khu bảo tồn loài, sinh cảnh.

Thời gian qua, các hoạt động thực hiện nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đã được KBT DLST Đồng Tháp Mười triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nội dung về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại KBT DLST Đồng Tháp Mười còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Khu sinh thái Đồng Tháp Mười được quy hoạch là khu dự trữ thiên nhiên thuộc loại hình đất ngập nước; tại Quyết định số 1107/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố Danh mục các khu bảo tồn thiên nhiên, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đáp ứng tiêu chí khu bảo tồn loài – sinh cảnh với diện tích 106,8 ha. Khu bảo tồn được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất với mục đích sử dụng đất là “đất có rừng trồng phòng hộ” với diện tích 1.068.150,5 m2. Việc quản lý Khu bảo tồn đang thực hiện theo Quyết định số 1380/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu bảo tồn và Du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên đến nay chưa có quyết định của UBND tỉnh trong việc xác định, thành lập KBTTN theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Ngoài ra, tuyến đường đi trên địa phận Khu bảo tồn gây tiếng ồn, diện tích rừng tràm nhỏ, lũ về ít làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn gây áp lực đến các loài chim sinh sống tại KBT. Hiện vẫn còn tình trạng người dân dùng điện xiệc cá khi đánh bắt cá, gây ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn thủy sản.

Do thiếu kinh phí và nguồn lực hỗ trợ hoạt động, một số hoạt động bao gồm điều tra, đánh giá đa dạng sinh học và xây dựng cơ sở dữ liệu cho KBT hay việc bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; điều tra, giám sát, thống kê, báo cáo công tác đa dạng sinh học tại các KBT chưa được thực hiện. Việc trang thiết bị chuyên ngành trong hoạt động phục vụ công tác bảo tồn còn rất hạn chế, thiếu trang thiết bị và nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động (viên chức tuyển dụng từ nhiều ngành khác nhau không có chuyên môn về điều tra, thống kê đa dạng sinh học, chưa được đào tạo lại…). Việc thực hiện việc dẫn dụ các loài chim tự nhiên đến khu vực bằng cách cung cấp thức ăn bổ sung cho các loài chim để bảo đảm việc bảo tồn phù hợp với quy luật của tự nhiên cũng cần xem xét, đánh giá lại.

Nhằm khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu quả quản lý KBT, BQL cần đề xuất các nhiệm vụ để thực hiện các quy định pháp luật đối với bảo tồn và quản lý bền vững đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, nâng cao năng lực của Ban quản lý để thực hiện tốt nhiệm vụ theo Quyết định số 1379/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 của UBND tỉnh Tiền Giang.

KBT DLST Đồng Tháp Mười là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, do đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng cần quan tâm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, đa dạng sinh học khu vực này, bố trí nguồn lực để thực hiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn tại khu bảo tồn; chỉ đạo rà soát, kiện toàn việc thành lập và quản lý Khu bảo tồn phù hợp với Quy hoạch tỉnh Tiền Giang và Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước (Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ); Chỉ đạo Ban quản lý nghiên cứu, thực hiện các quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đất ngập nước theo quy định; thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại và hạn chế trong quản lý khu bảo tồn; Quan tâm bố trí nguồn lực, tăng cường năng lực cho Ban quản lý để thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững; thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát đa dạng sinh học; bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn vùng đất ngập nước, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp kiểm soát các mối đe dọa, hành vi xâm hại tới hệ sinh thái đất ngập nước, các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại KBT./.

NBCA