Một số tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường của người dân địa phương và khuyến nghị

Hiện nay, việc bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chính phủ và Bộ, ngành các cấp quan tâm chỉ đạo, kêu gọi toàn quốc hưởng ứng các ngày Lễ kỉ niệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như: Ngày Môi trường thế giới 05/6, Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới v.v. Mặc dù nhận được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của UBND các cấp, các hoạt động triển khai đã mang lại nhiều kết quả hết sức tích cực, tuy nhiên, mức độ hưởng ứng của người dân tại các địa phương vẫn còn một số tồn tại và hạn chế.

Ý thức tự giác của một bộ phận nhân dân và một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và việc thực hiện các hoạt động hưởng ứng các ngày Lễ kỉ niệm về bảo vệ môi trường như Ngày Môi trường thế giới 05/6, Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới v.v. có mặt còn hạn chế. Theo đó, vẫn còn tình trạng xả rác không đúng nơi quy định, vứt rác thải ra kênh, mương ao hồ, sông ngòi; còn tồn tại các điểm ô nhiễm, các bãi rác tự phát trong khu dân cư. Các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh vẫn còn sử dụng túi nilong khó phân huỷ. Việc phân loại rác tại nguồn còn chưa triệt để; thu gom, xử lý rác sau phân loại còn chưa hiệu quả.

Điều này do một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức rõ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, chỉ coi đó là trách nhiệm của chính quyền hoặc doanh nghiệp. Ngoài ra, tâm lý chủ quan, chưa thấy được tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe và đời sống cũng là những lí do khiến hành vi của người dân chưa được đồng bộ, thiếu tính bền vững. Cụ thể, nhiều người dân chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Thêm vào đó, một số hộ gia đình và cơ sở sản xuất vẫn lén xả thải trực tiếp ra môi trường, đốt rác không đúng quy định vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt ở vùng nông thôn và khu vực có ý thức cộng đồng thấp.

Mặt khác, cơ chế và chính sách thực thi chưa thực sự hiệu quả, khi công tác quản lý môi trường ở một số địa phương còn lỏng lẻo, thiếu sự kiểm tra và xử phạt nghiêm minh. Việc tuyên truyền mặc dù đã được UBND các cấp triển khai rộng rãi, tuy nhiên, tại phần lớn địa phương, kinh phí đầu tư cho công tác truyền thông về môi trường, truyền thông về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, dẫn đến chưa hoàn toàn tiếp cận được đúng nhóm đối tượng cần nâng cao nhận thức. Thực tế cho thấy, ở một số địa phương, hạ tầng thu gom và xử lý rác thải chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt tại khu vực nông thôn cũng là một trong những nguyên nhân gây hạn chế công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn địa phương xây dựng tài liệu tuyên truyền, tăng số lượng tờ rơi về bảo vệ môi trường để phát tới cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng một số mô hình về công tác bảo vệ môi trường như: cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; cộng đồng phân loại rác đặc biệt tại các khu dân cư, làng nghề. Song song với đó, đề xuất UBND các tỉnh để ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, nhất là các doanh nghiệp tham gia dịch vụ thu gom, xử lý, tái chế chất thải; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường, giảm thiểu phát thải./.

NBCA