Các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Trung tâm lúa gạo Châu Phi đã công bố báo cáo đánh giá về giá trị toàn cầu của lúa gạo công nghệ sinh học.
Đăng ngày 25-05-2013 trong chuyên mục Tin thế giới
Công trình nghiên cứu này đã được đăng tải trực tuyến trên tạp chí Công nghệ sinh học mới ngày 26 tháng 4 năm 2013.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lúa gạo là cây trồng chủ lực cho nhiều khu vực có người dân nghèo nhất thế giới, do đó việc ứng dụng các giống lúa gạo mới với các tính trạng nông học tốt và năng suất cao sẽ có tác động đến việc giảm nghèo, giảm nạn đói và suy dinh dưỡng. Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, nhưng nghiên cứu nhận định rằng phải trong vòng 2-3 năm tới, các giống lúa gạo biến đổi gen mới có thể được đưa vào ứng dụng khi các chính sách, quy định hoàn thiện và việc thương mại hóa sẽ bắt đầu. Nghiên cứu đã cung cấp tổng quan các tài liệu vàthảo luận các dẫn chứng về dự kiến lợi ích của người tiêu dùng về lúa gạo biến đổi gen. Lúa gạo biến đổi gen được tạo ra nhằm cải thiện các tính trạng nông học nhằm mang lại các lợi ích tương tự như các loại cây trồng công nghệ sinh học đã được thương mại hóa. Bằng cách lập luận trên, nhóm nghiên cứu ước tính giá trị toàn cầu của lúa gạo biến đổi gen là khoảng 64 tỷ USD mỗi năm. Tuy đây chỉ là con số ước tính nhưng việc đưa ra các nhận định về lợi ích to lớn của gạo biến đổi gen sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định về việc phê duyệt hoặc tài trợ các loại cây trồng công nghệ sinh học và cũng để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những gì công nghệ sinh học đang mang lại cho cộng đồng.
Để xem chi tiết công trình nghiên cứu, bạn đọc có thể truy cập:http://dx.doi.org/10.1016/j.nbt.2013.04.004
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học.