Nghiên cứu chồng hai gene chống chịu mặn và khô hạn trên các dòng lúa lai hồi giao

Năng suất cây trồng có thể bị giảm từ 15 đến 50% do tác động của hai yếu tố mặn và khô hạn. Phương pháp lai hồi giao giúp cho các giống lúa chịu khô hạn, chịu mặn vốn có trong bộ gene có thể được chuyển sang một số dòng ưu tú khác.

 

Để phục vụ cho chương trình chọn giống có đặc tính kép vừa chịu hạn, vừa chịu mặn, các tác giả Nguyễn Thị Lang, Nguyễn Trọng Phước, Phạm Công Trứ (Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) và Bùi Chí Bửu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đã tiến hành “Nghiên cứu chồng hai gen chống chịu mặn và khô hạn trên các dòng lúa lai hồi giao”.
Kết quả sàng lọc của 200 dòng BC2F2  từ tổ hợp lai OM7347/OM5629//OM7347 đã đánh giá xác  định có 41 dòng sống sót với 37 dòng mang gene chịu mặn ở nồng độ muối EC = 8 dS/m và 15 dòng chịu mặn ở nồng độ muối EC = 15 dS/m. Tuy nhiên khi phân  tích kiểu gene chỉ có 7 dòng mang gene chịu mặn. Dòng số 4 (BC2F2-155) mang mã số S2 – D1 và dòng số 6 (BC2F2-162) mang mã số S2 – D2, mang cả hai gene vừa  chịu khô hạn và vừa chịu mặn. Nồng  độ muối càng cao số ngày sống sót của các dòng càng thấp. Phân tích ba chỉ thị phân tử RM3252-S1-1, RM105 và  RM201 ghi nhận có sự liên kết giữa kiểu hình và kiểu gene. Các dòng BC thể hiện năng suất khá cao trong vụ đông xuân, điển hình là dòng BC2F2-162 có năng suất tới 38,4 g/bụi, cao hơn so với dòng đối chứng.
Nghiên cứu giúp tạo chọn giống lúa thuần chống chịu mặn – hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn, đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất nông nghiệp trước sự tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tạp chí NN&PTNT