Vụ đầu tiên ứng dụng thử nghiệm công nghệ sinh học giúp ngô có khả năng kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho thấy, công nghệ mới này đang được nhiều phản hồi tích cực và sự chú ý của nông dân phía Bắc.
Năng suất cao, tiết kiệm chi phí
Trồng ngô biến đổi gen của DeKalb – Monsanto Hoa Kỳ trên diện tích 0,2ha, ông Lưu Văn Trần, xã Sơn Hùng, (Thanh Sơn, Phú Thọ) khẳng định, giống ngô này có ưu điểm nổi bật là khả năng kháng sâu tốt và mất ít công vun xới gốc, công làm cỏ, cây ngô cứng có thể trống chịu với bão tốt.
Có vụ ngô sâu nhiều gây thiệt hại lớn, năng suất giảm 1/3, nhưng giống biến đổi gen khắc phục được điều này. Bên cạnh đó, với giống ngô thường, nông dân vẫn phải mất công làm cỏ, công 120.000 đồng/ngày, thì nay nông dân tiết kiệm được khoản này, ông Trần cho hay.
Ông Lê Thanh Hải, cán bộ khuyến nông xã Sơn Hùng cho biết, từ tháng 3/2015, 7 hộ nông dân tại xã Sơn Hùng đã phối hợp với DN trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen. Tính toán chi li, với giống ngô mới, người nông dân sẽ tiết kiệm tiền công vun gốc, làm cỏ, thuốc trừ sâu được khoảng 2 triệu đồng/ha.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhàn (xã Hồng Phương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tham gia trồng khảo nghiệm ngô biến đổi gen, cho biết, ngoài tiết kiệm được công phun thuốc, làm cỏ, giống ngô biến đổi gen kháng sâu đục thân và kháng thuộc trừ cỏ còn cho năng suất khá cao.
“Vụ đầu tôi trồng thử 2 sào (360 m2/sào) thấy năng suất cao hơn trồng giống ngô thường từ 50-70 kg/sào (trước trồng ngô thường chỉ đạt 1,7 tạ/sào). Dự kiến vụ tới nếu được tôi sẽ trồng thêm 3 sào ngô biến đổi gen nữa”, bà Nhàn cho hay.
Đánh giá về các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của ngô biến đổi gen được trồng tại Vĩnh Phúc, ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, nhận định: “Nhìn chung, các chỉ tiêu sinh trưởng giữa hai giống ngô là không có sự sai khác ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sau, do giống ngô chuyển gen không bị cỏ tranh chấp dinh dưỡng, tỷ lệ sâu đục thân và sâu đục bắp thấp hơn rất nhiều so với giống ngô thường nên với cùng điều kiện canh tác, giống ngô chuyển gen sinh trưởng tốt hơn so với giống ngô thường”.
Riêng về mặt năng suất, ông Dũng cho hay, do hiệu quả từ việc sinh trưởng mạnh, tạo sinh khối lớn, không bị sâu bệnh phá hoại nên các chỉ tiêu cấu thành năng suất đều cao. Cụ thể, năng suất ngô BĐG đạt 8.453 kg/ha (303 kg/sào), cao hơn hẳn giống ngô nền, chỉ đạt 6.634 kg/ha (239 kg/sào).
Giá giống cao gấp 3 giống ngô thường
Cùng với đưa giống mới vào sản xuất, các mô hình liên kết trong sản xuất ngô cũng đang dần hình thành, mang lại triển vọng mới cho sản xuất ngô. Tại các điểm canh tác ngô chuyển gen vụ đầu tiên đều có sự tham gia sâu sát của chính quyền địa phương, khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân. Nông dân được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật đầy đủ, đồng thời cũng nhận được hỗ trợ giống hoặc giá giống từ địa phương hoặc các doanh nghiệp.
Liên kết chuỗi giúp ổn định từ đầu vào đến đầu ra cũng là một điểm sáng trong sản xuất ngô gắn liền với chuyển đổi tại các tỉnh phía Bắc. Tiêu biểu như mô hình thí điểm liên kết sản xuất – tiêu thụ ngô đang được triển khai tại tỉnh Lào Cai. Tại hội nghị đánh giá mô hình liên kết sản xuất ngô bền vững tổ chức tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, tổ chức ngày 9/8, khá nhiều nông dân khá vui mừng trước kết quả bước đầu của mô hình. Đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua.
Ông Lê Văn Dũng cũng cho biết, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô biến đổi gen trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, ông cho hay, hiện người dân vẫn được công ty và tỉnh hỗ trợ về giống và thuốc trừ sâu, nhưng khi không còn hỗ trợ thì người dân phải tự mua.
“Theo tôi được biết thì giống ngô biến đổi gen đang có giá khoảng 210.000 đồng/kg. Như vậy với giá này, ngô giống biến đổi gen cao gấp 3 lần giống ngô giống do các Viện ngô của Việt Nam làm ra”, ông Dũng nói.
Thừa nhận ngô biến đổi gen cho năng suất cao hơn ngô thường lại tiết kiệm được công sức làm cỏ, song, bà Nguyễn Thị Nhàn cho rằng, nếu công ty bán trên 200.000 đồng/kg giống như vậy thì quá cao.
Người dân muốn trồng ngô biến đổi bởi năng suất cao hơn ngô thường lại tiết kiệm được chi phí làm cỏ nhưng giá ngô giống vậy thì cũng bằng hòa, đó là chưa kể đến sau này còn phải mua thuốc trừ sâu của công ty cung cấp giống nữa. Nếu được, công ty nên xem xét giảm bớt giá thành giống ngô xuống để người nông dân triển khai trồng rộng rãi hơn, bà Nhàn đề xuất.
Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có khoảng trên 5 triệu tấn ngô. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 năm tới tốc độ tăng trưởng nhập khẩu mặt hàng này trung bình vẫn tăng 20%/năm.
Theo ước tính, trung bình Việt Nam nhập khẩu khoảng 9 triệu tấn ngô, đậu tương/năm, với chi phí khoảng 4 tỷ USD. Xuất khẩu gạo chưa đủ tiền để nhập khẩu một số nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo VNN