Ngô biến đổi gene: Mắt thấy, tai nghe

Tìm hiểu thực tế tại những địa phương đang trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gene, phóng viên nhận thấy, với nông dân, giống ngô nào có ưu thế về năng suất, giá cả và thuận tiện canh tác là họ lựa chọn.

 

Có mặt tại buổi thu hoạch khảo nghiệm giống ngô 6919S của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang), chúng tôi nhận thấy sự phấn khởi của cả người trồng lẫn người chứng kiến khi giống ngô này mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không phải tốn nhiều công chăm sóc như giống ngô thường.
Tại ruộng ngô, cùng diện tích như nhau (14 m2),  nông dân thu hoạch cả ngô biến đổi gene và ngô thường để so sánh năng suất, chất lượng.
Sau khi tách hạt, cân và tính toán sơ bộ, ngô biến đổi gene đạt năng suất 14,6 tấn ngô tươi/ha/vụ hè thu, ngô thường đạt 9,4 tấn với các chỉ số tương đương.
Kết quả đo ẩm độ, ngô biến đổi gene đạt 34 độ C, ngô thường đạt 34,3 độ C. Nếu làm ngô khô còn ẩm độ 15 độ C, ngô biến đổi gene sẽ đạt 11,3 tấn và ngô thường đạt 7,2 tấn. Với giá ngô hiện tại (ngô tươi 3.700 đồng/kg, ngô khô 5.300 đồng/kg) thì ngô biến đổi gene sẽ đem về lợi nhuận cao so với ngô thường hơn 21 triện đồng/ha/vụ hè thu.
Nhìn những hạt ngô to, vàng, không bị sâu bệnh và độ ẩm thấp hơn so với ngô thường, ông Lê Văn Tài (ấp Vĩnh Khánh, Xã Vĩnh Hòa, Huyện Tân Châu, Tỉnh An Giang), một thương lái hơn 20 năm thu mua ngô cho biết: “Giá ngô hiện tại 3.700 đồng/kg nhưng với loại ngô mới này tôi sẽ mua 3.800 đồng/kg. Tôi mua cao hơn do màu ngô này đẹp, dễ bán hơn và ngô này có ẩm độ thấp hơn. Nếu ngô kia phơi 3 ngày khô thì ngô này ẩm độ thấp hơn nên chỉ 2 ngày là khô. Tôi mua đắt hơn 100 đồng nhưng tôi sẽ lời thêm 50 đồng/kg.”
Anh Huỳnh Văn Huệ, chủ ruộng ngô khảo nghiệm (ấp Vĩnh Lạc, Xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết: “Lúc đầu trồng thì trồng chứ không nghĩ giống ngô này đạt như vậy nên tôi không dám trồng nhiều. Giờ thấy kết quả tốt quá, tôi rất mừng. Tôi có 8 công đất trồng ngô, sau đợt này tôi sẽ trồng hết loại ngô này”.
Đối với người nông dân, niềm vui lớn nhất là giống ngô này đã giải quyết được bài toán phun, xịt thuốc trừ sâu, diệt cỏ, là khâu mất thời gian và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe người nông dân.
Với cây ngô thường, mỗi vụ người dân phải phun thuốc trừ sâu 4-5 lần; 2 lần phun thuốc diệt cỏ và một lần phun thuốc dưỡng.
Trưởng trạm bảo vệ thực vật huyện Tân Châu, ông Tôn Hồng Tân cũng cho rằng giống ngô mới này khắc phục được nhiều khó khăn cho nông dân và tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Địa phương có từ 1.200-1.500 ha trồng ngô, có năm cao nhất lên đến 2.500 ha. Người dân từng thử trồng nhiều loại giống nhưng giống này là phù hợp nhất vì ít tốn công chăm sóc, không ảnh hưởng sức khỏe và năng suất lại cao.
Tại ấp Tân Bình Hạ (xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), sau khi trồng khảo nghiệm 1.500 m2 giống ngô NK66Bt/GT của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh rất mừng vì những ưu điểm của loại giống này.

Sau khi ông thu hoạch ngô khảo nghiệm, ước tính giống ngô biến đổi gene đạt 14 tấn/ha/vụ hè thu so với giống thường đạt 10 tấn/ha/vụ. Cả vụ chỉ 1 lần phun thuốc dưỡng, 1 lần phun thuốc diệt cỏ nên vừa đỡ tiền thuốc, vừa đỡ công sức.

Theo baochinhphu.vn

Đóng góp ý kiến