Nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước với vai trò thành viên Công ước Ramsar

Trong nỗ lực thực hiện các cam kết của quốc gia thành viên tham gia Công ước công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar), bên cạnh tăng cường thực thi chính sách pháp luật, truyền thông nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng và các hoạt động bảo tồn đất ngập nước (ĐNN) cũng đóng vai trò then chốt góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ĐNN

Hàng năm, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày Đất ngập nước thế giới 2/2, như: các hội thảo, tập huấn, lễ mít-tinh hưởng ứng, hướng dẫn các bộ ngành và địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm, tuyên truyền về giá trị và vai trò các vùng ĐNN đối với bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai thông qua các áp phích, kênh truyền hình, thông tấn báo chí. Các hoạt động tuyên truyền tại địa phương thường bao gồm hoạt động trồng rừng ngập mặt để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng người dân ven biển góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và cả các cấp quản lý tại địa phương cũng như trên cả nước đối với tầm quan trọng của ĐNN.

Bên cạnh đó, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã biên dịch các cuốn Sổ tay của Ramsar (Ramsar Handbooks) sang tiếng Việt để chia sẻ tới các cơ quan quản lý hữu quan, giúp ích cho công tác quản lý ĐNN. Những cuốn sổ tay Ramsar là những hướng dẫn kỹ thuật về công tác xây dựng văn bản, quản lý cũng như sử dụng khôn khéo ĐNN và được cập nhật thường xuyên theo xu thế quản lý của thế giới.

Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo ĐNN tại Việt Nam

Từ năm 2016, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các vùng ĐNN trên toàn quốc và đề xuất được 74 vùng ĐNN quan trọng cần khoanh vi, bảo vệ; và thành lập Nhóm công tác quốc gia về ĐNN được thành lập để tham mưu xây dựng các văn bản, chính sách và các hoạt động về quản lý, bảo tồn và SDKK ĐNN. Tại một số địa phương như Thái Bình, Thừa Thiên – Huế, Nhóm công tác ĐNN cũng đã được thành lập với vai trò tăng cường tham mưu về công tác quản lý ĐNN cho mỗi tỉnh.

Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sông, vùng ven biển đã được cộng đồng dân cư trên cả nước chủ động và tích cực tham gia vì bảo vệ ĐNN là bảo vệ cuộc sống và tương lai của họ. Các hoạt động thường là dọn vệ sinh, nhặt rác ở các tỉnh ven biển hoặc các hoạt động dọn rác, làm thông kênh mương, cống rãnh tại các đô thị, nạo vét ao hồ, lòng sông. Nhiều vùng ĐNN quan trọng được cộng đồng bảo vệ, quản lý và nhiều địa phương thành lập KBT ĐNN nhằm tăng cường bảo vệ các giá trị của vùng ĐNN. Đến nay, 23 tỉnh thành phố trên cả nước đã có quy hoạch bảo tồn ĐDSH và xác định rõ nhiều vùng ĐNN quan trọng cần được bảo vệ, quản lý dưới hình thức khu bảo tồn. Tổng cộng có 47 khu ĐNN quan trọng được đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước (Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/1/2019).

Nhiều hoạt động bảo tồn, sử dụng khôn khéo ĐNN được triển khai sâu rộng trên toàn quốc thông qua các chương trình, dự án, đề tài như: chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển; hỗ trợ các sinh kế bền vững cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào tài nguyên ĐNN ở khu Ramsar (Tràm Chim và Láng Sen) nhằm giảm thiểu các áp lực đến các khu bảo tồn ĐNN. Các mô hình quản lý hoặc bảo tồn và SDKK ĐNN dựa vào cộng đồng được thực hiện tại nhiều địa phương như nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường, ao tôm sinh thái ở vùng ven biển miền Bắc, quản lý rạn san hô ở Ninh Thuận, Bình Định…

Xây dựng báo cáo quốc gia và tham gia Hội nghị các bên tham gia Công ước Ramsar (COP)

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện Công ước Ramsar, Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm quốc gia trong việc xây dựng báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước Ramsar tại Việt Nam theo yêu cầu của Ban Thư ký Công ước Ramsar định kỳ ba năm/lần và tham gia các kỳ họp COP với các quốc gia thành viên. Việt Nam luôn hoàn thành nghĩa vụ xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Ramsar trước mỗi kỳ họp COP và có đại diện tham gia, đóng góp ý kiến cũng như kết nối các cơ hội hợp tác quốc tế tại các kỳ họp.

Đóng góp niên liễm hàng năm, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT hoàn thành việc đóng góp niên kiểm của quốc gia thành viên (đóng góp quốc gia) theo thống nhất của các kỳ họp COP và yêu cầu của Ban thư ký Công ước Ramsar./.

NBCA