Quản lý an toàn sinh học tại Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe con người, bảo tồn tài nguyên sinh vật và bảo vệ môi trường trước những rủi ro tiềm ẩn từ các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ sinh học, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp lý và các quy định nghiêm ngặt để giám sát và quản lý các nguy cơ liên quan đến sinh vật biến đổi gen, vi sinh vật gây bệnh, cũng như các sản phẩm sinh học.
Nội dung về quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam được quy định từ Điều 65 đến Điều 68 Chương V của Luật ĐDSH, 2008.
Các nội dung chủ yếu bao gồm:
– Trách nhiệm quản lý rủi ro: Để phòng ngừa và hạn chế những rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với ĐDSH, Luật quy định:
+ Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ và phải có các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, công nghệ, cán bộ chuyên môn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, phải lập báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen gây ra đối với ĐDSH, phải công khai thông tin về mức độ rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với ĐDSH.
– Báo cáo đánh giá rủi ro phải có các nội dung chủ yếu:
+ Mô tả biện pháp đánh giá rủi ro;
+ Mức độ rủi ro đối với ĐDSH;
+ Biện pháp quản lý rủi ro.
– Quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu và xây dựng trang thông tin điện từ về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen;
+ Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải cung cấp thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nghiên cứu tạo ra, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.
+ Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
Kết quả đạt được
- Gia nhập Điều ước quốc tế:
Ngày 12 tháng 02 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về việc gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường.
Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học được thông qua tại Cuộc họp các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena lần thứ 5 (MOP5-Cartagena). Mục tiêu của Nghị định thư bổ sung là góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, cân nhắc các rủi ro đến sức khỏe con người, thông qua thiết lập nguyên tắc và quy trình quốc tế về trách nhiệm pháp lý và bồi thường liên quan đến sinh vật biến đổi gen. Phạm vi của Nghị định thư bổ sung tập trung vào các thiệt hại gây ra bởi sinh vật biến đổi gen được vận chuyển xuyên biên giới, bao gồm việc vận chuyển có chủ đích và không chủ đích.
Việc tham gia Nghị định thư bổ sung góp phần thực hiện nghĩa vụ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước ĐDSH và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, các điều ước quốc tế liên quan đến ĐDSH khác, Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Rio về Phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc tham gia Nghị định thư bổ sung tạo cho Việt Nam cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc hơn trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển xuyên biên giới sinh vật biến đổi gen qua lãnh thổ Việt Nam nếu để xảy ra thiệt hại phải có trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, thông qua đó sẽ hạn chế các rủi ro đến môi trường, ĐDSH và sức khỏe con người.
- Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện quy định về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen:
Có thể khẳng định, sau khi Luật ĐDSH có hiệu lực, các nội dung về quản lý an toàn sinh học đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện đầy đủ và bài bản. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực này đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.
- Các hoạt động triển khai thực tiễn:
- a) Công khai thông tin về sinh vật biến đổi gen đối với môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi:
Thực hiện quy định tại Luật ĐDSH, từ năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về an toàn sinh học tại địa chỉ: www.antoansinhhoc.vn. Cổng thông tin điện tử đã cung cấp các thông tin cập nhật về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên cập nhật các thông tin lên trang thông tin điện tử an toàn sinh học quốc tế của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.
- b) Tình hình nghiên cứu và quản lý phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen:
Việc nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen tại nước ta trong những năm qua được thực hiện tại các phòng thí nghiệm thuộc: Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu ngô, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế)… với các nghiên cứu về đu đủ kháng bệnh virus, ngô chịu hạn… Tuy nhiên các nghiên cứu này đến nay mới chủ yếu thực hiện trong phòng thí nghiệm và chưa đưa ra thử nghiệm ở quy mô nhà lưới.
- c) Tình hình khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen:
Từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho việc khảo nghiệm hạn chế và diện rộng đối với những sự kiện ngô biến đổi gen mang tính trạng kháng sâu hại và chống chịu thuốc trừ cỏ nhằm đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với môi trường và ĐDSH tại Việt Nam.
- d) Tình hình cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học:
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận kết quả khảo nghiệm đối với các sự kiện ngô biến đổi gen, các công ty sở hữu giống ngô biến đổi gen đã lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đã được thực hiện bài bản, khoa học và theo đúng trình tự quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, các giống ngô biến đổi gen đã được gieo trồng thương mại tại nước ta, đánh dấu Việt Nam là quốc gia thứ 29 trên thế giới cho phép trồng cây biến đổi gen phục vụ mục đích thương mại.
- e) Thực hiện tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen:
Trong những năm vừa qua, sau khi Luật ĐDSH có hiệu lực, các Bộ ngành liên quan đã phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các khoá tập huấn, hội thảo nhằm tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.
Cùng với đó, các Bộ, ngành cũng đã xuất bản các tài liệu, sách chuyên khảo nhằm nâng cao nhận thức về an toàn sinh học, cũng như phối hợp với Đài truyền hình thực hiện các phóng sự chuyên đề về lĩnh vực này./.
NBCA