Những năm qua, rất nhiều dự án phi chính phủ đã chọn Quảng Nam là điểm đầu tư, triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã để hỗ trợ địa phương giải quyết những vấn đề bức thiết trong việc duy trì tính bền vững của đa dạng sinh học và hệ sinh thái toàn cầu.
Điểm đến của các dự án
Tại rừng phòng hộ Tây Giang (Quảng Nam), có một “biệt đội” rất đặc biệt. Công việc hằng ngày của họ là “ăn gió, nằm sương” giữa đại ngàn để tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú và giải cứu động vật hoang dã. “Biệt đội” này có tên gọi là Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng được thành lập từ tháng 9/2022 thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ nhằm góp phần giúp bảo vệ sự sống của những loài sinh vật dưới tán rừng già.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tây Giang cho biết, từ lúc thành lập đến nay, các thành viên của Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng tại huyện Tây Giang đã thực hiện hơn 250 ngày công tại thực địa, phát hiện, tháo gỡ hơn 7000 bẫy các loại và giải cứu được nhiều động vật hoang dã.
“Từ lúc đầu thành lập nhóm mới chỉ có 5 thành viên đến nay đã tăng lên thành 25 thành viên chia làm 5 nhóm hoạt động rải khắp khu vực rừng phòng hộ. Dù mới bước đầu thành lập và vận hành nhưng hiệu quả hết sức khả quan. Ngoài mục tiêu giảm thiểu mối đe dọa đa dạng sinh học từ bẫy thông qua nỗ lực tuần tra dựa vào cộng đồn, hoạt động của nhóm tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy đã tác động sâu sắc đến ý thức của các cộng đồng trong BQL, nổi bật là việc giảm sử dụng động vật hoang dã của người dân địa phương trong dịp Lễ, Tết.
Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như nguồn lực hạn chế, diện tích rừng rộng lớn, sự phức tạp của các bẫy và các đối tượng săn bắt. Do đó, cần có sự hợp tác và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, cũng như sự đồng lòng và chung tay của bà con trong việc bảo vệ rừng Tây Giang- một di sản thiên nhiên quý giá của đất nước”- ông Sinh chia sẻ.
Những năm qua, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã hợp tác chặt chẽ và gắn bó với Quảng Nam thực hiện gần 20 dự án quan trọng với tổng kinh phí gần 10 triệu USD để tạo ra sự cân bằng hài hoà giữa bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đồng thời vẫn đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội bền vững
“Những nỗ lực này đã giúp Quảng Nam đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm vừa qua như tỷ lệ che phủ rừng tăng lên nhanh chóng, thành lập Khu bảo tồn Sao la tỉnh Quảng Nam, thành lập và nâng cấp Vườn quốc gia Sông Thanh, tái phát hiện sao la qua bẫy ảnh của WWF vào năm 2013, sự xuất hiện trở lại của các loài quý hiếm như Mang lớn, Mang Trường Sơn, Rùa Trung bộ và sự tăng trưởng của quần thể Vọoc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây.” – ông Nguyễn Anh Quốc, đại diện văn phòng WWF tại Quảng Nam đánh giá.
Chú trọng sinh kế bền vững
Quảng Nam là một trong những vùng ưu tiên về đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung. Đồng thời thuộc 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu. Đặc biệt, đây là khu vực có nhiều hệ sinh thái đặc trưng của rừng, đất ngập nước và biển, là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như Sao la, Hổ, Voi châu Á, Voọc chà vá chân xám, Khướu Ngọc Linh, Mang Trường Sơn. Do đó, việc hợp tác bảo vệ ĐDSH, bảo vệ động vật hoang dã là điều vô cùng quan trọng.
Đánh giá về hiệu quả của các dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn ĐDSH tại Quảng Nam, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhờ được thiên nhiên ban tặng nhiều hệ sinh thái có giá trị đặc biệt về bảo tồn mang tầm quốc tế, Quảng Nam đã trở thành nơi “hội ngộ” của nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học.
Điển hình như các Dự án: Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhằm xây dựng thí điểm Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn tự nhiên trong tỉnh, liên tỉnh và xuyên biên giới do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì với nguồn vốn vay và tài trợ của ADB; Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC) do USAID tài trợ với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ và quản lý các loài động vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng cũng như hai loại rừng quan trọng (rừng đặc dụng và rừng phòng hộ);
Dự án “Tăng cường vai trò các cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại khu vực Trung Trường Sơn”do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ thông qua WWF; Dự án “Giải cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”….Nhìn chung, thông qua thực hiện các Dự án đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Anh Quốc, đại diện văn phòng WWF tại Quảng Nam cho biết, thời gian tới WWF sẽ tiếp tục đồng hành với các Sở, ban ngành của tỉnh Quảng Nam, tập trung vào phát triển các sáng kiến bảo tồn mới, huy động nguồn lực và tài trợ từ cộng đồng quốc tế để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp can thiệp dựa vào thiên nhiên nhằm dung hòa đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội.
Những dự án bảo vệ và quản lý các loài động vật đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng; thúc đẩy bảo tồn ĐDSH thông qua phương pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng, đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân và phát triển chuỗi giá trị nông lâm sản bền vững, cải thiện điều kiện sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng và bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng cho các bên liên quan
“Đặc biệt là việc phát triển các mô hình mẫu để có thể áp dụng rộng rãi tại các khu vực khác của Việt Nam nhằm cải thiện hệ sinh thái, khôi phục đa dạng sinh học và tạo ra một tương lai thích ứng với khí hậu, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Quốc, đại diện văn phòng WWF tại Quảng Nam.
Việc triển khai dự án này ngoài những giá trị về bảo vệ ĐDSH, bảo tồn động vật hoang dã mà còn hướng đến việc thay đổi hành vi của người dân từ việc tạo sinh kế vền vững cho chính họ.
“Để đối phó mối đe dọa vẫn đang diễn ra đối với ĐDSH tại Quảng Nam, chúng tôi hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho các cộng đồng phụ thuộc vào rừng, tăng cường công tác quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, tăng cường thực thi pháp luật đối với các vi phạm về rừng và động vật hoang dã, giảm nhu cầu tiêu thụ lâm sản và động vật hoang dã trái pháp luật thông qua các phương pháp thay đổi hành vi”, ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn ĐDSH do USAID tài trợ chia sẻ.
Nguồn: Lan Anh, Báo Tài nguyên và Môi trường./.