Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền. Trong đó, Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ, nhân giống loài hoang dã, cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Để bảo tồn đa dạng sinh học, một số cách thức và nguyên tắc đã được các nước áp dụng đó là bảo tồn nguyên vị (insitu) và bảo tồn chuyển vị (ex-situ).
Bảo tồn nguyên vị hay còn gọi là bảo tồn tại chỗ là bảo tồn loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị trong môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng.
Bảo tồn chuyển chỗ là bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền.
Trên thế giới, công tác bảo tồn chuyển chỗ đã được đánh giá là biện pháp quan trọng nhằm bảo tồn tài nguyên di truyền các loài hoang dã. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực cho công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ vẫn có sự khác nhau. Năm 1987, tại Hoa Kỳ, các chương trình bảo tồn chuyển chỗ chỉ được phân bổ 1% trong tổng số 37,5 triệu USD chi cho các hoạt bảo tồn ĐDSH và sử dụng cho các hệ thống ngân hàng gen quốc tế. Gần đây, tổ chức Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã ủng hộ sự điều chỉnh nhằm cân bằng nguồn lực giữa hoạt động bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ. Với quan điểm này, những nỗ lực và hỗ trợ tài chính cho công tác bảo tồn chuyển chỗ đã được tăng cường trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của UNEP, hoạt động thực tế trong bảo tồn tài nguyên di truyền có thể được chia thành 04 giai đoạn chính như sau:
– Giai đoạn đầu (1850-1860), lợi ích của nguồn gen được thử nghiệm và bắt đầu được sử dụng trên thực tế.
– Giai đoạn thứ hai (1950-1970), nguồn gen được bảo tồn rộng rãi bởi tính hữu dụng của chúng.
– Giai đoạn thư ba (1980-2010), khả năng đầu tư lâu dài trong các nơi bảo quản, sưu tập được bảo đảm.
– Giai đoạn thứ tư (2010-2030), tăng cường khai thác thông qua các chương trình chăn nuôi, trồng trọt.
Ở nước ta hiện nay, Bảo tồn chuyển chỗ bao gồm các vườn thực vật (VTV), vườn động vật, các bể nuôi thuỷ hải sản, các bộ sưu tập vi sinh vật, các bảo tàng, ngân hàng hạt giống, bộ sưu tập các chất mầm, mô cấy… Các biện pháp này bao gồm việc di dời các loài cây, con và vi sinh vật ra khỏi môi trường sống thiên nhiên của chúng. Mục đích của việc di dời này là để nhân giống, lưu giữ, nhân nuôi vô tính hay cứu hộ. Người Pháp đã xây dựng các khu bảo tồn chuyển chỗ đầu tiên ở một số địa phương như: Vườn cây gỗ Trảng Bom (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) được thành lập từ cuối thế kỷ XIX; Vườn cây gỗ của Trạm thí nghiệm Lâm sinh Lang Hanh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) xây dựng năm 1932 để nghiên cứu cây Canh ki na sau chuyển sang nghiên cứu cây gỗ nói chung. Tới nay, các khu vườn cây gỗ đã bị biến đổi nhiều, chỉ còn khu vườn cây gỗ Mang Lin (thành phố Đà Lat) thuộc Trung tâm nghiên cứu Đà Lạt còn phát triển tốt. Hầu hết các khu rừng đặc dụng lớn của nước ta, đặc biệt là các Vườn quốc gia, khi thiết kế xây dựng Vườn đều có hạng mục xây dựng VTV nhưng cho đến nay, các VTV này thực chất mới là các vườn sưu tập cây rừng. Loại hình lâm phần bảo tồn nguồn gen cây rừng mới được thí nghiệm thực hiện tại VQG Ba Vì. Theo thống kê ở 11 vườn thực vật bao gồm các vườn cây thuốc, vườn sưu tập cây rừng, cây công nghiệp, cây giống, v.v… Các loài cây trồng phổ biến ở Việt Nam đã thống kê được khoảng 734 loài, thuộc 79 họ, nhiều loài có giá trị sử dụng cao. Tuy nhiên, nhiều loài cây vẫn chưa được nghiên cứu để phổ biến nuôi trồng rộng rãi.
Từ những năm 90 tới nay, hoạt động nuôi nhốt, cứu hộ động vật hoang dã ở nước ta đã có những chuyển biến, đã có sự thay đổi trong hình thức, quy mô, nội dung nuôi nhốt, cứu hộ, trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng, đặc biệt hợp tác quốc tế trong nuôi nhốt và cứu hộ.
Từ những hoạt động tự phát nhỏ lẻ ban đầu thời gian trước đó, Việt Nam đã bước đầu vượt qua giới hạn nuôi nhốt nhỏ lẻ, mang tích chất sở thích, thú vui, chưa có định hướng, chưa vai trò, một tình trạng kéo dài trong nhiều năm, để từng bước chuyển sang những hoạt động cứu hộ, bảo tồn. Hoạt động nuôi nhốt, cứu hộ, bảo tồn từ chỗ chỉ giới hạn ở từng cá thể động vật, chơi cảnh, chết bỏ đi, đã mở rộng ra trên phạm vi nhiều loài, nhiều cá thể, có nhân nuôi, sinh sản, có động vật nhập nội, có nuôi thương phẩm…
Nội dung nuôi nhốt, cứu hộ cũng không còn chỉ là các công việc sơ cứu, chăm sóc, nuôi dưỡng mà đã mở ra được các vấn đề về cứu chữa, chăm sóc, sinh sản, nghiên cứu tập tính, hoang dã hóa và tái thả vào rừng…. Tiến tới nghiên cứu bảo tồn chuyển chỗ, với những nội dung cứu hộ, bảo tồn mới này, hoạt động cứu hộ, bảo tồn đã không chỉ là nuôi nhốt tạm thời để hiểu biết mà đã tiến hành nghiên cứu cơ sở của việc ứng dụng công nghệ và tạo ra cá thể mới để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, mục đích cuối cùng phải đạt tới của hoạt động bảo tồn an toàn ngoại vi các nguồn gen động vật.
Về mặt trình độ, kỹ năng cứu hộ, bảo tồn, thú hoang dã nước ta, lớp cán bộ trẻ đã bước đầu tiếp thu được quy trình chăm sóc, cứu chữa, sinh học, sinh thái học động vật, sinh sản, sinh dưỡng, phối giống trong nuôi nhốt, cứu hộ.
Đánh giá chung về tình hình hoạt động, các kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cứu hộ, nuôi nhốt, sinh sản, chăm sóc, trưng bày, hoang dã hóa và tái thả ở nước ta trong giai đoạn vừa qua:
(1) Hoạt động cứu hộ, nuôi nhốt, sinh sản, chăm sóc, trưng bày, hoang dã hóa và tái thả nước ta trong giai đoạn vừa qua đã có một bước thay đổi, một cách tiếp cận mới để đáp ứng nhu cầu của thực tế về sử dụng, khai thác và bảo tồn, trước hết về quy mô, phạm vi không gian, số lượng, nội dung, không còn chỉ dừng ở nuôi nhốt, nhỏ lẻ, trưng bày làm cảnh mà đã có những hoạt động chăm sóc, trưng bày, sinh sản và tái thả. Lần đầu tiên, Việt Nam đã có một số loài được bảo tồn chuyển chỗ khá bền vững.
(2) Về nội dung, mức độ cứu hộ, trưng bày cũng đã không còn giới hạn ở mức độ chăm sóc một vài loài chọn lọc mà đã từng bước chuyển sang cứu hộ nhiều loài, thuộc nhiều lớp động vật khác nhau từ ếch nhái đến các loài thú lớn.
(3) Đồng thời với những bước tiến mới về phạm vi, quy mô, nội dung cứu hộ chăm sóc, Việt Nam cũng đã bổ sung, hoàn thiện nghiên cứu sinh sản, hoang dã hóa các loài động vật hoang dã…
Về những mặt còn yếu của cứu hộ, chăm sóc, trưng bày, sinh sản, hoang dã hóa, bảo tồn chuyển chỗ của nước ta hiện nay, tuy đã có những bước tiến đáng kể nhưng để đáp ứng yêu cầu hiện nay vẫn còn những mặt cần hoàn thiện. Việc nghiên cứu tập tính, quá trình sinh học, quan hệ sinh thái giữa môi trường, với đời sống cá thể, quần xã, quần đàn còn chưa thành quy trình, chưa đủ đáp ứng yêu cầu chăm sóc ở quy mô lớn. Công tác hoang dã hóa, sinh sản trong nuôi nhốt, hệ thống dữ liệu cận huyết, tiêu hủy, tái thả, cơ sở pháp lý còn lúng túng, thậm chí gặp nhiều khó khăn trong ngăn chặn sự suy thoái nguồn tài nguyên, đặc biệt là các loài thú lớn như Hổ, Voi, Gấu, Rắn hổ mang, Tê Tê… Các vấn đề sinh học, sinh thái cá thể quần thể phục vụ cho yêu cầu phát triển nhân nuôi chưa nhiều. Một điểm yếu quan trọng trong giai đoạn vừa qua là áp dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, công nghệ thú y… nhìn chung còn chậm phát triển, chưa đào tạo, trang bị nên chưa hỗ trợ thúc đẩy công tác cứu hộ, chăm sóc, trưng bày, sinh sản, hoang dã hóa và bảo tồn chuyển chỗ.
Các bảo tồn chuyển chỗ hiện có ở nước ta chủ yếu là các cơ sở tại các khu bảo tồn, VQG và được xây dựng theo quyết định của các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng động vật hoang dã của địa phương. Về tổ chức các cơ sở này chưa thuộc một hệ thống quy hoạch tổng thể do nhà nước phê duyệt. Vì vậy, các cơ sở này chưa đáp ứng được quy định tại Luật Đa dạng sinh học. Cho tới nay, trong cả nước chưa có được một cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học mang tính chất tổng hợp, toàn diện và đáp ứng nhu cầu thực tế của phát triển đất nước.
Cơ sở vật chất kỹ thuật nhìn chung còn yếu kém, chưa đủ điều kiện về phương tiện kỹ thuật, kinh phí để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ công tác cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, hoang dã hóa… do đó, hiệu quả bảo tồn của các cơ sở bảo tồn này còn rất hạn chế.
Vì vậy, để có thể thành lập và đưa các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoạt động hiệu quả và khắc phục các mặt yếu kém, bất cập hiện nay về tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, nguồn vốn đầu tư, Việt Nam cần quy hoạch và phát triển Hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học một cách tổng thể và đáp ứng các mục tiêu lâu dài trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học./.
NBCA