Tôm hùm nước ngọt (còn có tên gọi trong dân gian là tôm hùm đất) có tên khoa học là Procambarus clarkii, thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Loài này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản). Việc nhập khẩu, phát triển, kinh doanh loài này trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.
1.Nhận dạng tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii)
Đặc điểm nhận dạng:
– Kích thước: cá thể trưởng thành trọng lượng từ 5-10g tới 50-60 g với tổng chiều dài trong khoảng 5.5-6.5 cm tới 10.5 tới 11.5 cm. Kích thước thương mại phổ biến là 10-30 g hoặc 7.5-10.5 cm.
– Màu sắc: toàn thân có màu sắc chủ yếu là màu đỏ đến màu đỏ sẫm. Trước khi trưởng thành, màu sắc chủ yếu là màu nâu xanh, với độ đậm được quyết định bởi độ trong của nước. Tuy nhiên, các sắc tố đỏ có thể xuất hiện trên các phần phụ, đặc biệt là các chân bơi.
– Đặc điểm nổi bật và dễ nhận dạng nhất của loài: là chủy và vùng sau chủy tạo thành hình mũi nhọn, các gai mép bên chủy khá phát triển, rãnh đầu ngực rất hẹp, các chấm màu đỏ xuất hiện ở hai càng, cạnh bên của càng có nhiều bướu nhỏ (xem hình minh họa).
Hình minh họa các đặc điểm nhận dạng nhanh cho loài Cherax quadricarinatus (nguồn: Belle & Yeo, 2010)
Do hiện nay có sự nhầm lẫn về tên gọi giữa loài tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất) và tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) nên cần phân biệt các đặc điểm nhận dạng tôm càng đỏ như sau:
Đặc điểm nhận dạng tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus)
– Kích thước: Chiều dài tổng số tối đa lên tới 35 cm, hiếm khi lớn hơn.
– Màu sắc: có màu xanh, lốm đốm với màu be và đỏ trên khớp và cơ thể, các mảng màu đỏ bên trên các phần bụng. Đặc biệt, cá thể đực trưởng thành có vệt/mảng màu đỏ tươi ở mặt ngoài của cặp đôi càng đầu tiên.
– Một số đặc điểm nhận dạng khác: là có 4 gờ trông rõ trên giáp đầu ngực. Mép bên chủy có từ 3 đến 5 đôi gai.
Hình minh họa các đặc điểm nhận dạng nhanh cho loài Cherax quadricarinatus (nguồn: Belle & Yeo, 2010)
2.Đặc tính sinh thái
Procambarus clarkii có thể sống ở nhiều môi trường nước ngọt như sông, hồ, ao, suối, kênh, mương, và đầm lầy ngập nước theo mùa.
Đây là loài có sức chịu đựng và thích nghi với nhiều điều kiện thủy vực khác nhau, chẳng hạn như độ mặn trung bình, nồng độ oxi thấp, nhiệt độ khắc nghiệt, và môi trường ô nhiễm. Tôm hùm nước ngọt phát triển mạnh trong các hệ sinh thái đất ngập nước ấm và nông của các khu vực đất nông nghiệp và đất tự nhiên như ở Nam và Trung Âu, nơi mà loài này đã thiết lập được quần thể.
Các đặc điểm hành vi khác nhau của loài có thể đóng góp vào khả năng xâm lấn của các loài bao gồm: hành vi hung hăng, ví dụ, giúp loài thay thế các loài bản địa; khả năng vận động và phân tán có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan; hành vi đào hang có thể giúp đối phó với các áp lực môi trường như trốn tránh động vật ăn thịt, tìm kiếm nguồn nước trong mùa khô hạn; và hành vi chăm sóc con non giúp tăng khả năng sống sót của con non.
mối quan hệ sinh thái của loài Tôm hùm nước ngọt (Nguồn: http://www.scielo.br/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S0104-64972015000100002
3.Nguồn gốc phân bố và con đường du nhập
Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là một trong những loài tôm vỏ cứng có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, tới nay đã phân bố tại hơn 20 quốc gia thuộc cả 5 Châu. Tôm hùm nước ngọt xuất hiện ở các nước như: Mỹ, Úc, Na Uy, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… và một số quốc gia khác. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, tôm hùm nước ngọt đã được nhập từ Nhật Bản vào Trung Quốc và đã phát tán ra hơn 20 tỉnh của Trung Quốc.
4.Tác động của tôm hùm nước ngọt
Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là loài động vật ăn tạp, có khả năng thích nghi cao với môi trường, nhanh chóng thiết lập quần thể ở nơi chúng xuất hiện và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái. Các tác động của loài đến môi trường và đa dạng sinh học đã được ghi nhận trên thế giới gồm cạnh tranh môi trường sống, truyền bệnh cho các loài tôm bản địa, giảm quần thể thực vật thuỷ sinh, động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh; có thể ảnh hưởng tới việc thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng; có khả năng đào hang gây thiệt hại cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp; có tác động đến ngành đánh bắt cá… Loài này đã được ghi nhận xâm lấn tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Ai Cập, Uganda, Zambia, Mê hi Cô, Cộng hòa Síp, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa.
- clarkiiđã góp phần vào sự suy giảm đáng kể của tôm bản địa châu Âu trong họ Astacidae thông qua truyền bệnh dịch tôm càng (Aphanomyces astaci) và cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt, các loài nguy cấp bao gồm các loài Austropotamobius pallipes, Astacus astacus, Austropotamobius torrentium. Người ta cũng nhận thấy loài tôm hùm nước ngọt P. clarkiicũng cạnh tranh với tôm bản địa ở Nhật Bản.
Hoạt động ăn thực vật mạnh của P. clarkii thường gây giảm sinh khối và đa dạng sinh học của thực vật thủy sinh cỡ lớn được ghi nhận tại hồ Chozas, Tây Ban Nha, Hồ Naivasha ở Kenya, Hồ Massaciuccoli ở Ý, Hồ Doccia ở Ý, vùng đất ngập nước vùng Địa Trung Hải và bán đảo Iberia.
Thêm vào đó các hoạt động kiếm ăn và hành vi đào hang của P. clarkii làm thay đổi chất lượng nước, tăng sự xáo trộn sinh học, và gia tăng giải phóng chất dinh dưỡng từ trầm tích. Những thay đổi về đặc tính của nước làm thay đổi hệ sinh thái thủy sinh và được cho là gây ra sự bùng nổ của vi khuẩn lam (Cyanobacterium). Các hiệu ứng này đã được ghi nhận trong Công viên Quốc gia Las Tablas de daimiel ở Tây Ban Nha, tại Alentejo ở Bồ Đào Nha và tại Nhật Bản.
Các ảnh hưởng của P. clarkii đối với nông nghiệp và thủy sản đã được ghi nhận từ nhiều nơi trên thế giới. Các hành vi đào hang của P. clarkii thường gây tác động đến đê điều và các hệ thống tưới tiêu có thể dẫn đến mất nước và gây thiệt hại năng suất cây trồng. Các ghi nhận này đã được phát hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Kenya, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. P. clarkii thường xuyên trở thành một loài ưu thế trong môi trường sống như ruộng lúa. Nếu có mặt trong công trình thủy lợi bao gồm hồ chứa, kênh dẫn nước của ruộng lúa, P. clarkii có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể do hoạt động đào hang làm thay đổi thủy văn, thất thoát nước và gây thiệt hại cho cây lúa.
5.Các biện pháp kiểm soát đã được áp dụng trên thế giới
Biện pháp cơ học: dùng bẫy, lưới vợt, lưới vây và đánh bắt bằng điện. Thành công trong việc kiểm soát quần thể loài tôm P. clarkii bằng cách loại bỏ chúng đã được ghi nhận ở hồ Naivasha (Kenya); ở đó người ta sử dụng bẫy và loại bỏ tôm ra khỏi thảm thực vật nổi nhằm mục đích phục hồi lại các thực vật bản địa lớn. Các biện pháp kiểm soát khác có thể kể đến là thoát nước ao nuôi để bắt tận diệt tôm con, chỉnh dòng của các con sông, hoặc xây dựng cơ học hoặc hàng rào điện để hạn chế sự phát tán của loài tôm này.
Biện pháp hóa học: Hóa chất có thể được sử dụng để kiểm soát tôm bao gồm lân hữu cơ, clo hữu cơ và thuốc trừ sâu tổng hợp pyrethroid; những cá thể chịu các mức ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào kích thước của chúng, các cá thể kích thước nhỏ hơn thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Furadan 5G (hoạt chất là carbofuran) có thể gây tử vong cho P.clarkii tại Kenya. Vì không có thuốc diệt trừ đặc hiệu đối với tôm càng, nên các động vật không xương sống khác, chẳng hạn như động vật chân đốt, cũng bị tiêu diệt theo tôm, và sau đó cần phải tái nhập các động vật không xương này. Có lý do để lo ngại về sự tích lũy và khuyếch đại sinh học của độc tố trong chuỗi thức ăn, mặc dù điều này không đáng lo ngại đối với thuốc trừ sâu tổng hợp pyrethroid. Một biện pháp hóa học khác là sử dụng pheromone (kích thích tố) đặc hiệu cho tôm càng hoặc thậm chí kích thích tố đặc hiệu loài để bẫy tôm hùm nước ngọt.
Biện pháp kiểm soát sinh học: Phương pháp kiểm soát sinh học có thể bao gồm việc sử dụng các động vật ăn thịt cá, sinh vật gây bệnh, và sử dụng các vi sinh vật sản xuất độc tố, ví dụ, vi khuẩn Bacillus thuringiensis var. israeliensis.
6.Các chế tài xử lý đối với việc nhập khẩu, phát tán, sản xuất, kinh doanh tôm hùm nước ngọt
Loài tôm hùm nước ngọt là loài có nguy cơ xâm hại theo quy định tại Phụ lục II của Thông tư 35/2018/TT-BTNMT, đồng thời loài cũng không phải loài trong Danh mục thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam.
Theo quy định trong lĩnh vực thủy sản, loài không thuộc Danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, để được phép nhập khẩu dùng làm thực phẩm, loài phải được “đánh giá rủi ro theo quy định và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép” (Khoản 4, Điều 98, Luật Thủy sản 2017).
Như vậy chiểu theo các quy định của pháp luật, việc nhập khẩu, kinh doanh loài tôm hùm nước ngọt là trái với các quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt như sau:
Điều 10, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm (là hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam). Theo đó, các hành vi buôn bán loài tôm hùm nước ngọt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy theo giá trị của tang vật. Ngoài ra, cần phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả gồm “Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường…”.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 43 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 1.000.000.000 tùy theo giá trị tang vật từ dưới 10.000.000 đồng đến dưới 250.000.000 đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này. Trường hợp không thể tái xuất được thì buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép.
Điều 246, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định như sau:
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
- b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
- d) Tái phạm nguy hiểm.
3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Ngoài ra việc nhập khẩu không khai báo tôm hùm nước ngọt cũng vi phạm quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, tại khoản 1, Điều 7 quy định:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
- a) Không khai hoặc khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan mà không thuộc các trường hợp nêu tại các Khoản 2, 3, 4 Điều này và Điều 8, Điều 13, Điều 14 Nghị định này”.
CEID.GOV.VN