Sử dụng khôn khéo đất ngập nước bên cạnh mục tiêu nhằm duy trì chức năng sinh thái, giá trị sống còn của đất ngập nước (ĐNN) và đáp ứng các nhu cầu/lợi ích, duy trì sinh kế của con người cho các thế hệ; hài hoà lợi ích của các bên liên quan, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; còn có mục tiêu cụ thể là duy trì các lợi ích/dịch vụ, thuộc tính tự nhiên sống còn hệ sinh thái (HST) cũng như sự thịnh vượng của con người và xóa đói giảm nghèo. Không chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, việc sử dụng khôn khéo đất ngập nước cũng đang trở thành xu hướng với ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội.
Quản lý khôn khéo khu bảo tồn ĐNN Xe Champhone, Lào
Khu bảo tồn đất ngập nước (ĐNN) Xe Champhone thuộc hai quận Champhone và Xonbuly (tỉnh Savannakhet) được công nhận là khu bảo tồn quốc gia vào năm 2011 với diện tích 12.400 ha. Khu bảo tồn quốc gia Xe Champhone là sự kết hợp giữa đầm lầy, rừng cây; vào mùa mưa trở thành một đầm lầy quan trọng, vùng sinh sản, nơi trú ngụ của cá sấu Xiêm nguy cấp nghiêm trọng (tên khoa học là Crocodylus siamensis). Khu bảo tồn ĐNN Xe Champhone với giá trị đa dạng sinh học cao có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn. Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) năm 2010, việc bảo tồn khu ĐNN này không chỉ góp phần hỗ trợ các loài bị đe dọa như Rùa mai mềm Asiatic, cá sấu Xiêm, Rùa ao châu Á khổng lồ và Rùa dài, mà còn hỗ trợ sinh kế của khoảng 42.000 người được hỗ trợ từ việc bảo vệ hiệu quả.
Huyện Champhone có tiềm năng cao về phát triển du lịch sinh thái dựa vào tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Người dân địa phương đã thích ứng với nghề trồng lúa truyền thống và các hoạt động đánh bắt cá. Bên cạnh đó người dân cũng đã chú ý tới một số khu vực thuộc về tâm linh để phát triển du lịch văn hóa. Năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường CHDCND Lào và Văn phòng Quốc gia IUCN tại địa phương đã khởi xướng một dự án nghiên cứu luật và phong tục của cộng đồng địa phương và tích hợp chúng vào kế hoạch quản lý chính thức của khu vực.
Phục hồi, quản lý khôn khéo ĐNN ở vịnh Pattani, Thái Lan
Vịnh Pattani nằm dọc theo phía nam của bờ biển Thái Lan, là vùng ĐNN cửa sông có tầm quan trọng quốc tế. Vịnh được bảo vệ ở phía đông bắc bởi một bãi cát dài 12 km và có diện tích 74 km2. Các khu vực RNM, đồng muối và bãi bồi dọc bờ vịnh, xen kẽ với ao nuôi tôm và các khu vực nhỏ riêng biệt. Các thảm cỏ biển có giá trị nằm ở khu vực phía đông bắc. Vịnh Pattani là khu vực bảo tồn đa dạng giống loài (với 215 loài đã được tìm thấy tại đây), là nơi sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái.
Du lịch trong rừng ngập mặn ở Pattani, Thái Lan
Các hoạt động về nâng cao nhận thức môi trường và giáo dục được tiến hành đồng thời với các hoạt động dự án khác ngay từ đầu để đẩy mạnh sự quan tâm của cộng đồng cho mục tiêu dài hạn về phục hồi chức năng và sử dụng khôn khéo vùng ĐNN ven biển vịnh Pattani. Nhận thức được nâng cao thông qua trao đổi kinh nghiệm giữa dân làng Pattani với dân làng quản lý tài nguyên ven biển trong các chuyến tham quan học tập ở Malaysia/Singapore. Dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của sinh viên đại học cũng như các nhân viên của Bộ Thủy sản và Viện Nuôi trồng thủy sản ven biển, các hàng tồn kho của dân làng địa phương đã được giải quyết và đã tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của dân làng thôgn qua các hoạt động nghề cá ở vịnh Pattani.
Từ các chương trình, dự án phục hồi, quản lý khôn khéo ĐNN ở vịnh Pattani có thể rút ra một số bài học sau: (i) Học qua làm, cầm tay chỉ việc; (ii) Tập trung vào quá trình thay đổi thái độ của người dân đối với quản lý, SDKK RNM được phục hồi xung quanh vịnh Pattini; (iii) Cần có chỉ số rõ ràng, đo đạc được để giảm tính không chắc chắn, hoài nghi, bất đồng giữa cộng đồng, các cán bộ quản lý, các nhà khoa học; (iv) Cách tiếp cận mở, linh hoạt, tập trung vào sự làm chủ của địa phương đối với các quyết định và tổ chức các hoạt động của Dự án; (v) Tôn trọng và sử dụng kiến thức, các mối quan tâm, các ý tưởng của cộng đồng nhằm nâng cao lòng tin và sự nhiệt tình của người dân, duy trì tính bền vững các kết quả của dự án thông qua sự hỗ trợ tài chính (EU, WB), sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các cơ quan khoa học và tổ chức phi chính phủ (NGOs).
Môt số xu hướng và bài học cho Việt Nam
Qua các nội dung, ví dụ về thể chế, chính sách, các mô hình sử dụng khôn khéo ĐNN và các minh chứng thực tiễn về quản lý ĐNN trên thế giới cũng như trong khu vực nêu trên, có thể rút ra một số xu hướng và bài học như sau:
1. Các quốc gia ngày càng coi trọng việc xây dựng, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển các vùng ĐNN gắn với quản lý có hiệu quả và bền vững tài nguyên và môi trường ĐNN;
2. Trên phạm vi toàn cầu, các hoạt động khai thác, sử dụng ĐNN ngày một tăng nhanh và cần ưu tiên sử dụng khôn khéo và bền vững các vùng ĐNN;
3. Các ngành, nghề khai thác ĐNN truyền thống ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu như: Nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng biển nông ven bờ trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ở vùng biển đang có nguy cơ cạn kiệt; Du lịch ven biển với xu thế “trở lại với thiên nhiên biển” hậu văn minh công nghiệp; Diêm nghiệp, chế biến muối sẽ phát triển mạnh, nhanh chóng vượt sản lượng 50 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu muối cho sinh hoạt và công nghiệp,…;
4. Dưới sức ép của sự gia tăng dân số, để giải quyết các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, năng lượng,…, các quốc gia đang tiếp tục tìm kiếm và phát hiện các lĩnh vực khai thác mới đối với tài nguyên ĐNN, như: Khai thác nguồn gen sinh vật phong phú trong các vùng ĐNN ven biển phục vụ các mục tiêu khác nhau; Khai thác năng lượng biển – ven biển (sóng, gió biển, bức xạ mặt trời, năng lượng sinh khối từ rong, tảo biển,…) cũng đã và đang được nhiều nước quan tâm;
5. Khai thác không hợp lý đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên ĐNN. Để khắc phục tình trạng này, các quốc gia ngày càng chú trọng tới việc phát triển và ứng dụng những thành tựu của khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên ĐNN. Ưu tiên áp dụng quản lý tổng hợp ĐNN với sự phối hợp của tất cả các quốc gia, các ngành/lĩnh vực thì con người mới có thể khai thác ĐNN một cách khôn ngoan, bền vững, bảo đảm nhu cầu cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.
Ngoài ra, vấn đề bảo tồn và phát triển ĐNN cần được xây dựng dựa trên bốn yếu tố chính là: Luật pháp (mục tiêu là sử dụng bền vững); Hợp tác giữa các bộ, ngành; giữa doanh nghiệp và môi trường, hợp tác công – tư; Giảm nhẹ tổn thất ĐNN và cuối cùng, nhưng lại rất quan trọng là giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi tầm nhìn./.
NBCA