Bảo tồn, phát triển bền vững và duy trì đặc tính sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước (HST ĐNN) là mục tiêu ưu tiên trong quản lý ĐNN ở Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong bảo tồn, phát triển bền vững và duy trì đặc tính sinh thái của HST ĐNN và phát huy tri thức và các giá trị các vùng đất ngập nước, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong thực thi pháp luật về quản lý và bảo tồn ĐNN.
Tồn tại, vướng mắc trong thực thi pháp luật về quản lý và bảo tồn ĐNN
Hệ thống pháp luật về bảo tồn và phát triển bền vững (PTBV) các vùng ĐNN đã được quy định khá đầy đủ và chi tiết trong phân công tổ chức thực hiện quản lý đất ngập nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều khó khăn trong việc thực hiện bởi các tồn tại, vướng mắc.
Nhiều thách thức trong thực hiện mục tiêu PTBV hay nói cách khác là sử dụng khôn khéo các vùng ĐNN: Trên 50% tổng diện tích ĐNN, tập trung ở vùng ven biển, cửa sông, kể cả các vùng ĐNN có rừng ngập mặn, các HST rạn san hô, thảm cỏ biển, hay HST đầm phá và vùng hạ lưu các sông lớn, đang được khai thác, sử dụng cho mục tiêu tạo sinh kế và phát triển kinh tế; Diện tích ĐNN có xu hướng ngày càng bị thu hẹp; diện tích rừng ngập mặn tự nhiên đã giảm trên 60%, so với thời điểm trước năm 1945, trong khi các vùng ĐNN nhân tạo lại gia tăng (thủy điện, thủy lợi). Các vùng ĐNN ven biển bị lấn bởi các ao đầm nuôi trồng thủy sản, làm muối, các công trình xây dựng; các dòng sông bị thay đổi do hệ thống các đập nước, thủy điện; Các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả sinh vật và phi sinh vật trên các vùng ĐNN bị khai thác quá giới hạn cho phép, thậm chí khai thác mang tính hủy diệt,… Nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong các thủy vực thuộc các tỉnh phía Bắc, miền Trung hầu như cạn kiệt; vùng Đông, Tây Nam bộ, trữ lượng giảm 50% so với thời điểm trước năm 1945. Mười hai đầm phá duyên hải miền Trung là các vùng ĐNN độc đáo không chỉ đối với Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á đã và đang bị khai thác quá giới hạn cho phép, trong đó phải kể đến phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nhiều vùng ĐNN nằm trong hệ đầm phá, thậm trí đang bị “bức tử”, san lấp để phát triển đô thị, đường giao thông, cầu cảng;
Thiếu quy hoạch tổng thể quản lý ĐNN, các quy hoạch cụ thể hoặc không phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng. Điều đó đã gây ra xung đột môi trường trong việc sử dụng ĐNN, làm mất nguồn tài nguyên. Các quy hoạch quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế, giao thông, hồ chứa, thuỷ lợi, thuỷ điện, du lịch làm thay đổi hoặc gây trở ngại cho việc quản lý ĐNN; Tình trạng ô nhiễm, thay đổi cấu trúc, chức năng các vùng ĐNN khá phổ biến trên phạm vi cả nước. Chính vì vậy, môi trường sống, nơi di cư của nhiều loài sinh vật bị phá huỷ, bị ô nhiễm, ĐDSH và các nguồn tài nguyên ĐNN ven biển bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động nhân sinh (chiến tranh, nuôi trồng và chế biến thủy sản, chuyển đổi mục đích sử dụng, chất thải công nghiệp, đô thị và sinh hoạt, đánh bắt thuỷ sản bằng các phương pháp có tính huỷ diệt, chặt phá RNM, phá huỷ RSH và cỏ biển, sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật và phân bón không hợp lý trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động kinh tế khác thiếu quy hoạch,…) và do các quá trình tự nhiên (xói lở, bão lũ, cháy rừng, mặn hoá, ngọt hóa,… hay ô nhiễm môi trường dẫn tới các loài thủy sinh chết ở vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, tháng 5/2016, là một ví dụ điển hình).
Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong việc xử phạt các hành vi phá hoại, xâm chiếm vùng đất ngập nước. Mặc dù đã có một hệ thống các văn bản quy định về việc xử lý các vi phạm ở các mức độ khác nhau, từ bồi thường thiệt hại, phạt, xử lý vi phạm hành chính, kể cả theo luật hình sự, nhưng các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo tồn, PTBV các vùng ĐNN nói chung và ĐDSH còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa đủ răn đe, ngăn cản sự xâm hại, gây tổn thương cho HST ĐNN.
Với phương thức tiếp cận khai thác, sử dụng tự do, các vùng ĐNN này đang là những điểm nóng với các xung đột, mâu thuẫn, bảo kê,…liên quan đến không gian hoạt động; các giá trị, sản phẩm do ĐNN mang lại không được phân chia hài hòa và thường bị khai thác quá giới hạn cho phép. Mâu thuẫn trên, dẫn đến nhiều vấn đề, tiềm ẩn các nguy cơ phát triển kém bền vững và mâu thuẫn giữa bảo tồn ĐNN và phát triển kinh tế trên các vùng ĐNN, xung đột lợi ích giữa các bên liên quan đến ĐNN và lại tập trung nhiều ở các vùng ĐNN có giá trị ĐDSH, không gian chung của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả các vùng ĐNN được khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn.
Đối với hầu hết các KBT trên cạn (rừng đặc dụng) và biển đã có Ban quản lý, nhưng tại các khu này tồn tại các diện tích về ĐNN theo các tỷ lệ và mức độ khác nhau và chưa được quan tâm bảo vệ, quản lý theo bản chất đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước. Một số KBT ĐNN của địa phương được thành lập nhưng đang vướng mắc trong cơ cấu tổ chức, nhân sự và nguồn tài chính để duy trì sự hoạt động của các khu này. Ngoài ra, việc quản lý các khu ĐNN này chưa hiệu quả vì thiếu cán bộ có chuyên môn và các công cụ kỹ thuật chuyên ngành về ĐNN.
Hiện nay, lực lượng cán bộ làm công tác bảo tồn ĐNN tại các KBT và các vùng ĐNN ngoài KBT còn thiếu và yếu. Trong khi đó nguồn lực tài chính đảm bảo thực thi quản lý nhà nước về ĐNN còn hết sức hạn chế. Nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức phi chính phủ cho bảo tồn ĐNN chưa huy động được nhiều do chưa có các cơ chế chính sách phù hợp./.
NBCA