Thực vật biến đổi gen: Bước đột phá về công nghệ, làm giảm đói nghèo

Trải qua hàng nghìn năm, người nông dân đã tuyển lựa được các giống cây trồng có một số đặc tính tốt. Tuy nhiên, với phương pháp chọn giống cổ truyền, người ta không thể dự đoán các đặc tính của giống mới do bản chất sự phối trộn các vật liệu di truyền, hay còn gọi là thể gen (nếu đọc thuần Việt là gien), giữa hai cá thể chứa các yếu tố chưa biết.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thăm mô hình ngô biến đổi gen tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Đình Huệ

Trái với phương pháp lai tạo cổ điển đó, các kỹ thuật của công nghệ gen cho phép thêm hoặc bớt chính xác một hay nhiều đặc điểm mong muốn. Như vậy, giống mới thu được, về mặt lý thuyết, sẽ nhận và chỉ nhận được các đặc tính mà con người cần.

Vào năm 1996, khi Tập đoàn Monsanto giới thiệu với thế giới những giống cây trồng chuyển đổi gen (GMC, GMO), người ta đã dự đoán tiến bộ về công nghệ sinh học là bình minh của một kỷ nguyên mới, có thể giúp giảm đói nghèo, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, một lượng lớn đất đai trên thế giới bị hoang hóa do điều kiện canh tác không thuận lợi (hạn hán, nhiễm phèn, nhiễm mặn, lạnh v.v..). Việc tái sử dụng lượng đất đai này trong nông nghiệp giữ vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển có số dân đông, quỹ đất hạn chế, ví dụ như Việt Nam. Bằng các công cụ của công nghệ sinh học, trong đó biến đổi gen đóng vai trò chủ yếu, các nhà nghiên cứu đã phân lập được một số lượng lớn các gen tham gia vào phản ứng có lợi của cây trồng khi phải canh tác trong điều kiện môi trường bất lợi.

Với nền nông nghiệp có tính chuyên môn hóa cao như hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc diệt cỏ dại là cần thiết. Tuy nhiên, việc lạm dụng một số loại thuốc diệt cỏ dại độc tính cao đã và đang gây ra các hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người. Bằng phương pháp sử dụng đột biến, người ta đã phân lập được một số gen có thể tạo cho cây trồng có khả năng kháng các loại thuốc diệt cỏ nói trên. Việc chuyển các gen này vào cây trồng trọng điểm sẽ nâng cao tính chọn lọc, hiệu quả kinh tế của thuốc diệt cỏ cũng như làm giảm ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ đối với quần thể sinh vật trong đất.

Hiệu quả quang hợp tỷ lệ thuận với năng suất cây trồng. Vì vậy, nếu ta chuyển hệ thống quang hợp của cây có hiệu quả quang hợp cao, thì năng suất cây trồng chắc chắn sẽ được cải thiện. Gần đây, người ta đã chuyển 2 gen tham gia vào quá trình quang hợp ở ngô và cây lúa nước. Kết quả bước đầu cho thấy, cây lúa chuyển gen có hoạt động quang hợp mạnh hơn từ 30 đến 35% so với cây lúa không được chuyển gen. Đồng thời, năng suất của lúa chuyển gen tăng từ 10 đến 35%. Như vậy, việc nâng cao năng suất cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng bằng việc chuyển gen là hoàn toàn khả thi.

Trong 2 thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ XX, lượng phân bón hóa học sử dụng hằng năm trên thế giới tăng 3,6 lần. Cũng trong khoảng thời gian này, người ta đã tính được lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 4,2 lần mỗi năm. Việc tạo được các giống cây trồng chuyển gen có khả năng kháng sâu bệnh cao hay có khả năng hấp thụ phân bón tốt (tạo ra các giống lúa có khả năng cố định đạm như các cây họ đậu) sẽ cho phép giảm lượng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp.

Theo dự báo của Hội nghị Thượng đỉnh về môi trường tại Rô-ma (I-ta-li-a) năm 1996, việc đáp ứng nhu cầu nước sạch cho dân số toàn cầu sẽ ngày càng khó khăn trong vài thập kỷ tới. Do đó, việc tạo ra các giống cây trồng chịu hạn sẽ là giải pháp mang tính quyết định khắc phục tình trạng thiếu nước.

Tóm lại, công nghệ gen cho phép tạo ra được các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, giá thành hạ. Bởi vậy, công nghệ gen là một thực tế của hiện tại và tương lai, đã, đang và sẽ là một trong nhân tố quyết định tính cạnh tranh không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Tuy nhiên, liệu cây trồng chuyển gen có tiềm ẩn những hiểm họa đối với sức khỏe con người và môi trường? Cho đến nay, đây vẫn là câu hỏi mà người tiêu dùng đặt ra không chỉ đối với các nhà khoa học, mà cả đối với những người làm công tác quản lý. Do sự hoài nghi này của người tiêu dùng, sự thất bại về kinh tế là hoàn toàn có thể xảy ra do không bán được sản phẩm. Một điều đáng lo ngại khác là người nông dân luôn phải lệ thuộc vào doanh nghiệp sản xuất giống do không được gieo lại hạt giống năm trước vì nhà tạo giống đã đặt bản quyền giống.

Trên đây chỉ là một số nguy cơ mà cây chuyển gen có thể gây ra. Tuy nhiên, phải xem đấy là những cảnh báo, nhắc nhở chúng ta nên thận trọng trong việc quyết định có tiến hành sản xuất hay sử dụng một loại cây trồng chuyển gen hay không, mặc dù nhiều nhà khoa học có uy tín đã lên tiếng, rằng những nguy cơ tiềm ẩn của sinh vật chuyển gen là không có cơ sở khoa học.

Có một thực tế, hiện nay diện tích cây trồng biến đổi gen như đậu tương, ngô, bông, cải dầu… có xu hướng tăng, đặc biệt là tại Mỹ. Còn tại châu Âu, các rào cản đang dần được hạ thấp và các giống mới đang được phát triển sẽ làm cho nhiều người tiêu dùng chấp nhận.

Từ những điều đã trình bày ở trên có thể khẳng định, lợi ích mà thực vật biến đổi gen mang lại cho con người là rất lớn, nhất là góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo đói, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tranh cãi. Vấn đề quan trọng là con người phải biết quản lý và đánh giá rủi ro nhằm nâng cao năng lực quản lý an toàn sinh học.

Theo Tiến sĩ Lê Trần Chấn – www.qdnd.vn