Tín hiệu vui từ ngô chuyển gen ở Sơn La

Sau 5 tháng được chính thức cho phép thương mại hóa, ngô chuyển gen tại Sơn La đã cho thu hoạch, năng suất trung bình hơn 10 tấn/ha.

 

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng và phát triển ngô biến đổi gen (BĐG) tại Việt Nam” và kết hợp khảo sát thực tế một số mô hình ứng dụng tại thị trấn Mộc Châu, Sơn La. Là một trong các vùng trồng ngô trọng điểm, Sơn La được xem là “thủ phủ trồng ngô” với diện tích canh tác lớn nhất cả nước. Cây ngô vì thế đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Làm thế nào để cải thiện hiệu quả canh tác và tăng năng suất sản xuất ngô luôn là quan tâm hàng đầu của bà con nông dân trên địa bàn. Cũng như nông dân trồng ngô tại nhiều vùng, bà con nông dân tại Sơn La gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý sâu hại và cỏ dại trong quá trình canh tác, đặc biệt với địa hình đồi núi đặc trưng, công sức và mức độ đầu tư chi phí để xử lý sâu hại và cỏ dại được xem là khó khăn hàng đầu. Chính vì vậy, việc lựa chọn giống tốt là yếu tố quyết định cho một mùa vụ thắng lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi gia đình. Đồng thời, cải thiện năng suất ngô tại khu vực có diện tích ngô lớn nhất cả nước này cũng sẽ góp phần tăng tổng sản lượng ngô nội địa, góp phần giảm áp lực nhập siêu ngô trong những năm vừa qua.
Tại ruộng ngô thử nghiệm giống DK 6919S xanh tốt, trái đều tăm tắp, ông Phan Văn Chuyển, một nông dân thuộc tiểu khu 12, Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết, khi trồng thử và đối chứng với giống thường, bà con trong khu thấy giống ngô của Dekalb có thêm công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ giúp giảm hẳn tiền thuê và công lao động trong khi năng suất tăng từ 10,1 tấn hạt tươi/ha lên đến 12,5 tấn hạt tươi/ha. “Ngô thương phẩm của tôi đợt này đẹp và chất lượng cao hơn nên khi người ta thu mua giá cao hơn. Tôi và xóm làng mong có nhiều giống mới tốt để chúng tôi có thể nâng cao năng suất”, ông Chuyển nói.

Có mặt tại ruộng ngô, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, khảo sát sau thu hoạch cho thấy, mỗi ha ngô chuyển gen so với ngô thường đem lại lợi nhuận cao hơn. Đây là tín hiệu tốt để nông dân có thể áp dụng mô hình này. Ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc marketing sản phẩm chuyển gen, Công ty Dekalb Việt Nam thông tin thêm: “Kết quả tích cực ghi nhận hôm nay tại Mộc Châu rất tương đồng với kết quả thu được từ những điểm trình diễn của Dekalb tại các vùng trồng ngô khác trên cả nước. Điều đó khẳng định hạt giống Dekalb tích hợp thêm công nghệ kháng sâu và thuốc trừ cỏ Genuity khi được ứng dụng rộng rãi sẽ có cơ hội mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân trong nước”.

Theo Tienphong