Tính vượt trội của cây biến đổi gen

Mặc dù có những lo ngại về cây trồng biến đổi gen nhưng Bộ NN-PTNT đã cho phép các tập đoàn lớn của thế giới về cây trồng biến đổi gen nhập sản phẩm vào nước ta để khảo nghiệm trên diện rộng và bước đầu cho kết quả khá suôn sẻ.

  • Nhiều ưu điểm

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Trí Ngọc, từ tháng 11-2009, cây trồng biến đổi gen (bước đầu là bắp) đã được Bộ NN-PTNT cho phép thí điểm khảo nghiệm trên diện hẹp tại 2 tỉnh Hưng Yên và Bà Rịa – Vũng Tàu. Bước đầu, các nhà khảo nghiệm đã xác nhận bắp biến đổi gen có khả năng chống sâu bệnh hơn hẳn so với bắp thường và không bị ảnh hưởng bởi thuốc diệt cỏ.

Sau đó, Bộ NN-PTNT đã cho phép 3 tập đoàn giống cây trồng hàng đầu thế giới triển khai khảo nghiệm trên diện rộng tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đắc Lắc, đại diện cho từng vùng miền khác nhau. Trong đó, tỉnh Đắc Lắc được Công ty TNHH Dekalb Việt Nam và Viện Nghiên cứu KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp thực hiện trồng khảo nghiệm 1ha bắp tại TP Buôn Ma Thuột.

Thạc sĩ Đặng Bá Đàn, Trưởng bộ môn cây lương thực và thực phẩm, cho biết: “Viện đã khảo nghiệm 3 giống bắp biến đổi gen gồm loại kháng sâu đục thân, loại chống chịu thuốc diệt cỏ và loại tổng hợp cả hai đặc tính trên, sau 3 tháng đã cho kết quả như ý, đồng thời không làm ảnh hưởng đa dạng sinh học cũng như môi trường”.

Hiện bắp khảo nghiệm đang chuẩn bị thu hoạch. Nâng những trái bắp vàng trên tay, thạc sĩ Đàn nói: “Chính nhờ đặc tính kháng sâu và thuốc trừ cỏ nên bắp biến đổi gen luôn ổn định năng suất hơn 20% so với bắp thường”.

  • Sẽ trồng đại trà

Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KH-CN thuộc Bộ NN-PTNT, cho biết: “Hiện nay, các giống cây biến đổi gen đã và đang được trồng rộng rãi trên thế giới với 4 loại: bắp, đậu tương, cây bông vải và cây cải dầu, song ở Việt Nam hiện mới khảo nghiệm được trên bắp.

Đây là những bước khảo nghiệm cuối cùng để sau đó Hội đồng khảo nghiệm quốc gia sẽ đánh giá những ưu điểm của cây bắp biến đổi gen. Nếu đảm bảo an toàn đa dạng sinh học và môi trường sẽ đề nghị đưa cây trồng biến đổi gen ra đồng ruộng, sớm nhất vào năm 2012 để giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí.

Tuy nhiên, điều dư luận hiện nay quan tâm là độ an toàn về môi trường cũng như sức khỏe con người khi sử dụng sản phẩm “lạ”. PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, khẳng định, trên thế giới đang có khoảng 350 triệu người sử dụng sản phẩm cây trồng biến đổi gen từ 15 năm qua, nên có thể yên tâm về độ an toàn. Bản thân Việt Nam hiện nay mỗi năm cũng phải nhập khẩu tới 2,5 triệu tấn đậu tương và hơn 1,6 triệu tấn bắp để làm thức ăn chăn nuôi, trong đó không thể khẳng định không có những sản phẩm cây biến đổi gen.

Theo chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tầm nhìn đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 30% – 50% diện tích đất để trồng cây biến đổi gen.

Theo sggp.org.vn