Tọa đàm: “Cây trồng công nghệ sinh học – những vấn đề cần quan tâm”

Ngày 18 tháng 10 năm 2013, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Agbiotech Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Cây trồng công nghệ sinh học – những vấn đề cần quan tâm”.

 

Mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm cung cấp cho các đại biểu tham dự các thông tin về công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ chuyển gen trong và ngoài nước, từ đó giúp nâng cao nhận thức về cây trồng biến đổi gen.

Trên thế giới, kể từ khi cây trồng biến đổi gen được đưa vào ứng dụng sản xuất, đến nay đã có 34 quốc gia gieo trồng loại cây này. Cây trồng biến đổi gen được biết đến như là một trong những giải pháp giúp thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực cũng như phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy còn nhiều tranh cãi về lợi ích cũng như rủi ro mà cây trồng biến đổi gen mang lại. Nhưng trong quá trình từ khi ứng dụng đến nay, trên thế giới chưa ghi nhận được các bằng chứng khoa học chứng minh cây trồng biến đổi gen có nguy cơ mất an toàn cao hơn so với cây trồng truyền thống.

Tại Việt Nam, từ năm 2006 Chính phủ đã có chương trình và kế hoạch đẩy mạnh phát triển ứng dụng và công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2011 – 2015 sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gien như bông, ngô, đậu tương vào sản xuất. Sau khi Nghị định số 69/2010/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen được ban hành, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành các Thông tư nhằm hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các Thông tư quy định việc nghiên cứu, cũng như quy trình cấp phép Phòng thí nghiệm nghiên cứu về GMO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang hoàn thiện dự thảo Thông tư về trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm, thực ăn chăn nuôi.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định việc cần thiết ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào cuộc sống, trước mắt nên nhanh chóng ứng dụng 3 loại cây trồng đã được cho phép khảo nghiệm tại Việt Nam là: bông, đậu tương và ngô vào sản xuất. Song song với đó là việc quản lý chặt chẽ các vấn đề về an toàn sinh học của cây trồng biến đổi gen.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thông tin thêm việc cung cấp thông tin về cây trồng biến đổi gen còn chưa đầy đủ, rộng rãi. Đặc biệt công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học