Ứng dụng cây trồng biến đổi gien ở nước ta

Sản phẩm cây trồng biến đổi gien (CTBĐG) đã được thương mại hóa tại hàng chục quốc gia trên thế giới cách đây hơn 10 năm. Song, ở nước ta, hiện vẫn đang là vấn đề thời sự được các nhà khoa học bàn thảo, tranh cãi…

 

Cây trồng biến đổi gien, theo các chuyên gia sinh học quốc tế, là loại cây trồng được chuyển gien hữu ích bằng kỹ thuật di truyền. Gien lạ có ích này được tách chiết từ một sinh vật, hoặc được tổng hợp và đưa vào tế bào cây trồng bằng phương pháp chuyển gien trực tiếp hay gián tiếp để có được đặc tính theo mong muốn (như kháng sâu bệnh, chống chịu thuốc diệt cỏ…). CTBĐG được các nước phát triển như Mỹ, và một số nước châu Ấu nghiên cứu, ứng dụng từ cuối những năm 80, và được thương mại hóa giữa các năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, đã có gần 30 quốc gia triển khai sản xuất CTBĐG. Cuối năm 2010, diện tích CTBĐG trên thế giới đã lên gần 150 triệu ha, trong đó các sản phẩm chủ yếu là đậu tương (chiếm 51,7%) ngô (hơn 30%), bông (hơn 9%), sau đó là cải dầu, khoai tây. Tại châu Á, các nước như Ần Độ, Trung Quốc, Pa-ki-xtan, Phi-li-pin cũng đã tham gia vào quá trình này. Ở nước ta, theo PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, năm 2007, Nhà nước mới có định hướng nghiên cứu, ứng dụng CTBĐG. Mấy năm qua, bước đầu chúng ta khảo nghiệm CTBĐG cụ thể là các giống ngô biến đổi gen của các công ty: Syngenta Việt Nam, Dekalb Việt Nam và Pioneer Hi-bred Việt Nam. Thực tế khảo nghiệm ở một số vùng như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắc Lắc, đánh giá bước đầu của các nhà khoa học nông nghiệp là: Các giống ngô biến đổi gien cho năng suất cao hơn 30% so với giống ngô thường; khả năng chống chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ cũng cao hơn so với các giống ngô truyền thống.

Tại Hội thảo CTBĐG tại Việt Nam, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua,  một số nhà khoa học cho rằng nước ta nên sớm đưa CTBĐG vào sản xuất để tránh tình trạng hằng năm phải nhập khẩu ba, bốn triệu tấn ngô và đậu tương biến đổi gien từ nước ngoài làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn, nghi ngại được đặt ra. Những câu hỏi phản biện của các nhà khoa học và quản lý xoay quanh: Việc đưa cây ngô chuyển gien vào trồng đại trà ở Việt Nam từ năm 2012 có sớm quá không? Sản xuất CTBĐG sẽ ảnh hưởng thế nào tới an ninh lương thực, tới cuộc sống của người nông dân nước ta? Vì sao chúng ta không khai thác hết thế mạnh của các cây trồng truyền thống lâu nay có tiềm năng xuất khẩu như gạo, cà-phê, điều, các loại hoa quả… để lấy tiền nhập khẩu một số sản phẩm còn thiếu như ngô, đậu tương, bông? CTBĐG liệu có ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người?… Một loạt câu hỏi được đặt ra, vì xuất phát từ thực tế, việc khảo nghiệm CTBĐG của ta mới ở phạm vi hẹp, thời gian chưa dài; theo đó công nghệ biến đổi gien ở ta còn hạn chế; việc nghiên cứu, kiểm chứng ảnh hưởng tiềm ẩn của CTBĐG đối với môi trường và sức khỏe con người chưa làm được bao nhiêu. Và điều quan trọng là chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý cho CTBĐG. Tháng 7-2007, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gien và sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gien”. Đề án tổng thể tập trung vào nhiệm vụ: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý an toàn sinh học CTBĐG, nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sinh học… Nhưng việc triển khai xây dựng các cơ sở pháp lý cho lĩnh vực này còn quá chậm. Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gien mới được ban hành từ giữa năm 2010, khoảng thời gian còn ngắn để có thể xây dựng và thực hiện các quy định của Nghị định. Một loạt vấn đề cần phải tiến hành như: Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ); hệ thống và phương pháp phát hiện sinh vật biến đổi gien; xây dựng phòng thí nghiệm phân tích nguy cơ tiềm ẩn của sản phẩm CTBĐG; Thanh tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gien…

CTBĐG là lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp, lại mới được làm thử nghiệm ở nước ta trong một khoảng thời gian ngắn. Mặt khác đây vẫn là vấn đề đang được các nhà khoa học thế giới bàn luận, tranh cãi, nhất là về những rủi ro của nó đang tiếp tục được nghiên cứu. Cho nên thời điểm năm 2012 hay 2015 đưa cây ngô hoặc cây bông biến đổi gien vào sản xuất đại trà ở nước ta không quan trọng, điều giới khoa học cũng như các nhà quản lý quan tâm, xúc tiến là trình độ công nghệ về CTBĐG của ta đạt đến mức nào? Những lợi ích và mặt trái của CTBĐG đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người? Đâu là hành lang pháp lý cho CTBĐG ở nước ta?… Giải quyết được những vấn đề trên, thì việc đưa CTBĐG vào sản xuất đại trà trên đồng đất của nông dân mới có điều kiện phát triển. Bởi lẽ, sau hơn 20 năm ứng dụng cây lúa lai, các nhà tạo giống Việt Nam mới được công nhận 10 giống lúa lai tự tạo (đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước, còn 80% vẫn phải nhập khẩu của nước ngoài).

Theo  www.nhandan.org.vn