Việc thực hiện quy định pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (KBTTN ĐNN) Thạnh Phú được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 13/11/1998 trong hệ thống thống rừng đặc dụng quốc gia với quy mô 4.510 ha; được điều chỉnh lại ranh giới và quy mô còn lại 2.584 ha (Phân khu hành chính – dịch vụ: 251,7 ha; Phân khu phục hồi sinh thái I: 527 ha; Phân khu phục hồi sinh thái II: 1.137,3 ha; Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 668 ha) theo Quyết định số 57/2005/QĐ-TTg ngày 23/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, Ban quản lý (BQL) đã triển khai thực hiện các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại KBT, đạt được kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, BQL đã triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Chủ trì thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021- 2030 theo Quyết định số 2402/QĐ-UBND ngày 13/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre.

Ranh giới Khu bảo tồn và các phân khu chức năng cũng đã được xác định bằng tọa độ địa lý, phân định theo các kênh mương và bờ đất bao; đã cắm mốc phân định ranh giới của KBT với đất của hộ dân xung quanh. Bên cạnh đó, BQL đã tiến hành các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng như: tuần tra, bảo vệ, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phục hồi rừng ngập mặn, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng… Cụ thể: trong giai đoạn năm 2018 – 2023, Ban quản lý đã tổ chức trồng được 2,19 ha và chăm sóc 34,47 ha rừng trên địa bàn các xã Thạnh Hải và Thạnh Phong; Năm 2022, Ban Quản lý đã phát hiện và ngăn chặn 01 vụ phá rừng với diện tích 290 m2 (theo Báo cáo số 628/BC-BQLR ngày 26/12/2022 của Ban Quản lý); Năm 2023 và 2024, trong Khu bảo tồn không để xảy ra các vụ việc vi phạm liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng và khai thác, săn bắt trái phép động vật hoang dã.

Ngoài ra, BQL đã phối hợp với các tổ chức khoa học liên quan thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đặc dụng và lập danh mục các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vào năm 2019 (chưa thực hiện việc điều tra, đánh giá các vùng đất ngập nước); Thực hiện duy trì chế độ thủy văn tự nhiên đối với các vùng ĐNN trong rừng đặc dụng theo quy định của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN và quy định pháp luật khác có liên quan; không xảy ra các hoạt động can thiệp làm thay đổi chế độ thủy văn tự nhiên trong KBT.

Về chính sách, BQL đã ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể: Văn bản số 04/KH-HKL ngày 25/01/2022 của Hạt kiểm lâm Thạnh phú về Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng năm 2022; Văn bản số 63/CCKL ngày 30/01/2024 Chi Cục kiểm lâm về phối hợp tuyên truyền đến quần chúng nhân dân về việc chấp hành pháp luật quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và các loài chim hoang dã, di cư. Theo đó, việc trình xây dựng và trình phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2022 – 2030 hiện cũng đang trong quá trình thực hiện.

Về công tác tuyên truyền, định kỳ hàng năm, BQL phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Cổ Chiên tổ chức nhiều lớp tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch liên tịch với lực lượng công an – quân sự – kiểm lâm và Đồn Biên phòng Cổ chiên thực hiện tuần tra, kiểm tra, phối hợp trong việc quản lý bảo vệ rừng;  ký kết Quy chế phối hợp và kế hoạch hoạt động phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện Nghị định 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ tại các xã có rừng./.

NBCA